Các biện pháp quản lý, chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa

Cần chủ động đối phó và có biện pháp phòng ngừa thích hợp cho thủy sản nuôi trong thời điểm đầu mùa mưa và trong mùa mưa các hộ nuôi trồng thủy sản đặc biệt là các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến cần lưu ý đến việc chăm sóc, quản lý môi trường nuôi và đối tượng nuôi một cách chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Cần lưu ý đến việc chăm sóc, quản lý môi trường nuôi và đối tượng nuôi một cách chặt chẽ hơn. Ảnh: NT.

1. Công tác chuẩn bị ao/vuông nuôi

– Cần kiểm tra, gia cố bờ bao và hệ thống cống chắc chắn tránh trường hợp bị sạt lở, vệ sinh kênh thoát nước đảm bảo thông thoáng, khi mưa có lượng nước nhiều kịp thời xả tràn nhằm hạn chế thất thoát thủy sản nuôi. Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống mái che và lưới che ao nuôi trách tác động trực tiếp đến sức khỏe thủy sản nuôi.

– Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao/vuông nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.

2. Đối với việc chọn giống và thả giống:

2.1. Chọn giống:

Lựa chọn con giống theo quy chuẩn Việt Nam (Tôm sú giống TCVN 8398:2012; tôm thẻ chân trắng giống TCVN 10257:2014;…).

2.2. Thả giống:

Cần tuân thủ đúng lịch thời vụ thả giống do Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành, đồng thời hạn chế thả giống vào đầu mùa mưa, không nên thả giống với mật độ cao và thả giống gối vụ trong thời điểm hiện nay. Đảm bảo thả đúng mật độ theo từng hình thức nuôi:

* Đối với loại hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến:

+ Mật độ gièo: Ao gièo có thể bằng ao đất, vây lưới mành (ao đất, lưới mành: diện tích từ 5-10% diện tích ao nuôi, độ sâu mực nước từ 1.0-1.2m, mật độ gièo 100-200 con/m2, thời gian gièo từ 30-45 ngày;

+ Mật độ thả nuôi:

++ Đối với hình thức nuôi quảng canh: Mật độ thả từ 1-2 con/m2.

++ Đối với hình thức nuôi quảng canh cải tiến: Mật độ thả từ 4-8 con/m2.

* Đối với loại hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh:

+ Mật độ gièo: Ao gièo được thiết kế hình tròn hoặc hình vuông lót bạt và máy che bằng lưới mành, lưới lan  diện tích ao gièo 100-300m2 độ sâu mực nước từ 0.8-1m, mật độ gièo 1.000-2.000 con/m2 có chạy quạt, Oxy, thời gian gièo từ 20-30 ngày).

+ Mật độ thả nuôi:

++ Đối với hình thức nuôi thâm canh: Mật độ thả đối với tôm sú 15-20 con/m2, tôm thẻ chân trắng 40-100 con/m2.
++ Đối với hình thức nuôi siêu thâm canh: Mật độ thả đối với tôm sú 60 con/m2, tôm thẻ chân trắng 150 con/m2.

3. Về quản lý môi trường ao, vuông nuôi tôm:

– Quản lý pH: pH là yếu tố dễ biến động nhất sau những cơn mưa lớn, sự biến động đột ngột của pH có thể làm tôm giảm sức đề kháng. Vì vậy, bà con nên thường xuyên kiểm tra pH trước và sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 – 8,5 và dao động giữa buổi sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị. Nếu pH thấp, bà con sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3, liều lượng từ 10 – 15 kg/1.000m3. Ngoài ra, để hạn chế phèn trên bờ ao rửa xuống ao khi mưa làm giảm pH và đục nước, bà con nên sử dụng vôi rải đều trên bờ ao. Vôi sẽ giúp trung hòa acid tránh giảm pH đột ngột và giúp nước ao không bị đục sau khi mưa.

– Quản lý độ kiềm: Mùa mưa là thời điểm độ kiềm trong ao tụt giảm làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống hay thường gặp hiện tượng tôm bị mềm vỏ kéo dài do độ kiềm dưới mức thích hợp. Độ kiềm thích hợp cho tôm nuôi từ 80 – 160 mg/l. Nếu độ kiềm thấp có thể sử dụng vôi Dolomite liều lượng 20 – 30 kg/1.000m3.

– Quản lý mực nước: Đối với những ao có mực nước thấp chất lượng nước sẽ biến động lớn sau những cơn mưa hoặc khi trời nắng nóng gay gắt. Vì vậy, cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,3 – 1,5m. Ngoài ra tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng gắt sẽ giúp xáo trộn nước tránh hiện tượng phân tầng trong ao từ đó hạn chế những tác động xấu cho tôm nuôi.

– Kiểm soát tảo: Sau khi trời mưa liên tục vài ngày, mật độ tảo thường tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu thường là cho ăn thừa trong những ngày mưa. Một trong những biện pháp kiểm soát hữu hiệu lượng chất thải cũng như mật độ tảo trong ao là giảm khoảng 20 – 30% lượng thức ăn khi trời mưa bởi vì nhiệt độ thấp tôm sẽ giảm bắt mồi.

4. Quản lý sức khỏe tôm nuôi:

– Trong khi nuôi bà con phải thường xuyên kiểm tra ao, vuông nuôi để kịp thời phát hiện những biểu hiện nhiễm bệnh, hoạt động bất thường đối với tôm nuôi, nhất là những ngày có mưa lớn.

– Cần bổ sung một số khoáng chất, vitamin cần thiết để tăng cường dinh dưỡng, tăng khả năng đề kháng cho tôm nuôi đúng quy trình kỹ thuật để chống chịu lại thời tiết bất thường, đặc biệt trong việc hỗ trợ sức đề kháng của tôm nuôi trong điều kiện độ mặn thấp.

– Hạn chế trao đổi nước với môi trường bên ngoài sông, rạch đặc biệt vào thời điểm này môi trường nước thường ô nhiễm các chất hữu cơ hoà tan trôi rữa từ trên bờ xuống và cũng xuất hiện nhiều vi khuẩn, vi rus gây bệnh tôm nuôi.

5. Các vấn đề khác:

– Phải tuân thủ đúng quy định lịch sên vét ao đầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước.

– Cần quan tâm theo dõi thông báo kết quả quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản, theo bản tin thời tiết nông vụ và diễn biến tình hình bệnh dịch trên tôm nuôi trên thông tin đại chúng.

– Khi phát hiện tôm ở ao, vuông nuôi bị có biểu hiện bất thường hoặc chết không rỏ nguyên nhân, bà con nông dân cần thông báo ngay cho cán bộ Thú y, cán bộ Khuyến nông địa phương, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý gần nhất để được hỗ trợ trong việc xử lý giảm thiệt hại và phòng chống dịch bệnh lây lan.

* Lưu ý trách nhiệm của tổ chức cá nhân, hộ nuôi tôm

Thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan nhà nước, trước khi thả nuôi phải hoàn thiện hồ sơ về kê khai sản xuất ban đầu, thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin về điều kiện sản xuất, diễn biến thời tiết để chủ động phòng ngừa, đồng thời có kế hoạch sản xuất phù hợp./.

Chi cục Thuỷ sản Cà Mau