Bổ sung Cà rốt làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng cải thiện chi phí và chất lượng tôm

Đánh giá khả năng bổ sung cà rốt (Daucus carota) làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), nhóm nghiên cứu Lê Quốc Việt , Trần Minh Phú và Trần Ngọc Hải, Trường đại học Cần Thơ cho rằng, khi bổ sung 30% cà rốt làm thức ăn cho tôm thẻ thì chất lượng của tôm nuôi được cải thiện và chi phí sử dụng thức ăn thấp (49.702 đồng/kg tôm thương phẩm).

Tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm như: tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn và có thể nuôi ở mật độ cao, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nuôi. Tuy nhiên, khi nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng siêu thâm canh thì tôm có màu đỏ nhạt sau khi luộc chín, do tôm không tổng hợp đầy đủ sắc tố, đặc biệt là astaxanthin.

Màu sắc xuất hiện trên động thực vật như màu vàng, màu cam, màu đỏ được quyết định bởi hàm lượng carotenoids. Các hợp chất tạo màu này rất phổ biến trong tự nhiên là một nguồn chất chống oxy hóa giúp động thực vật chống lại bệnh tật (Goodwin, 1984). Theo Chien and Jeng (1992), màu sắc là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng và giá trị thương phẩm, chất lượng của sản phẩm không chỉ bao gồm giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn bao gồm cả giá trị về mặt cảm quan cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, các nghiên cứu gần đây đã sử dụng các loại thực vật như rong bún và rong mền (có nhiều acid amin và acid béo thiết yếu) làm thức ăn bổ sung cho tôm, giúp tăng cường sức đề kháng, giảm hệ số thức ăn và hạn chế gây ô nhiễm môi trường (Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv., 2014). Cruz‐Suárez et al. (2008) cho rằng khi bổ sung 3,3% bột rong bún (Enteromorpha) vào khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng thì tốc độ tăng trưởng nhanh, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp, màu sắc tôm đậm hơn so với không bổ sung.

Sử dụng bí đỏ để thay thế 10% lượng thức ăn viên trong nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc thì tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh, làm giảm giá thành thức ăn và màu sắc tôm nuôi được cải thiện (Tran Minh Bang et al., 2015).

Bên cạnh các nghiên cứu về việc bổ sung hay thay thế các loài thực vật làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng thì củ cà rốt (Daucus carota) cũng là đối tượng cần được quan tâm, vì trong thành phần của cà rốt có chứa nhiều khoáng vi lượng và đa lượng như: canxi, photpho, kali, magiê, sắt và vitamin C giúp các loài động vật tăng cường hệ miễn dịch và tăng trưởng nhanh (Lan Phương, 1999), đặc biệt trong cà rốt có chứa ß-carotene (8.285 µg/100g khối lượng tươi) có tác dụng tạo màu.

Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức, Tôm có khối lượng ban đầu 0,37±0,09 g và chiều dài 3,49±0,32 cm được nuôi trong hệ thống biofloc với tỉ lệ C:N=15:1, độ mặn 15‰ và mật độ tôm nuôi 45 con/bể. Thời gian thực hiện thí nghiệm là 60 ngày.

– Nghiệm thức 1: Tôm được cho ăn 100% thức ăn viên (đối chứng)

– Nghiệm thức 2: Thay thế 10% lượng thức ăn viên bằng cà rốt

– Nghiệm thức 3: Thay thế 20% lượng thức ăn viên bằng cà rốt

– Nghiệm thức 4: Thay thế 30% lượng thức ăn viên bằng cà rốt

Kết quả

Sau 60 ngày nuôi, tỷ lệ sống và sinh khối của tôm ở nghiệm thay thế 30% đạt cao nhất (86,7% và 1,1 kg/m3 ), khác biệt có ý nghĩa so nghiệm thức đối chứng (56,3% và 0,8 kg/m3 ), nhưng không khác biệt so với hai nghiệm thức còn lại.

Tương tự, chi phí thức ăn cho 1 kg tôm thương phẩm thấp nhất ở nghiệm thức thay thế 30% (49.702 đồng/kg), khác biệt so với nghiệm thức đối chứng là (64.653 đồng/kg). Bên cạnh đó, màu sắc tôm nuôi ở các nghiệm thức có bổ sung cà rốt đậm hơn so với nghiệm thức đối chứng, nhưng thành phần sinh hóa của tôm nuôi khác nhau không có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức.

Màu của tôm (A: tôm sống và B: tôm luộc chín) ở thí nghiệm thay thế thức ăn viên bằng cà rốt

Kết quả của việc thay thế cà rốt cho tôm ăn trong nghiên cứu này đã cải thiện được màu sắc của tôm nuôi, do trong thành phần của cà rốt có 8.285 µg βcaroten/100g khối lượng tươi. Khi tôm còn sống các nghiệm thức thay thế cà rốt đều có màu sắc đẹp. Tương tự, khi tôm được hấp chín thì màu sắc của tôm ở tất cả các nghiệm thức có sử dụng cà rốt làm thức ăn đều có màu đỏ đậm hơn.

Tóm lại, khi sử dụng cà rốt để thay thế thức ăn viên trong nuôi TTCT cho thấy, tỷ lệ sống của tôm nuôi tăng dần theo lượng cà rốt được thay thế và đạt cao nhất ở nghiệm thức thay thế 30% cà rốt (86,67%), khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức.

Khi sử dụng cà rốt để thay thế 30% lượng thức ăn viên trong nuôi TTCT theo công nghệ biofloc cho kết quả tốt về tỷ lệ sống, sinh khối, giảm chi phí thức ăn và đồng thời màu sắc của tôm thương phẩm được cải thiện.

Qua nghiên cứu, cung cấp thông tin cơ sở cho bà con ứng dụng bổ sung cà rốt vào thức ăn tôm thẻ nhằm giảm chi phí và tăng giá trị cũng như chất lượng tôm.

Nguồn: tạp chí khoa học đại học Cần Thơ

Như Huỳnh (tổng hợp)

Tin mới nhất

T7,14/12/2024