Bệnh chậm lớn do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei

Bệnh vi bào tử trùng (Microsporidian) do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) thuộc họ Enterocytozoonidae gây ra hay còn gọi là bệnh chậm lớn.

Bệnh xuất hiện nhiều nước có ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển như: Trung Quốc, Thái Lan,  Malaysia, Indonesia, Ấn độ…. Ở Việt Nam, bệnh vi bào tử trùng xuất hiện từ năm 2015. Mặc dù đây không phải là bệnh nguy hiểm nhưng đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các hộ nuôi. Ngày 08/10/2019 Cục Thú y đã có công văn hướng dẫn phòng, chống bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi nước lợ.

EHP ký sinh trong gan, tụy tôm và nhân lên bên trong tế bào chất của biểu mô ống gan, tụy. EHP ký sinh nội bào và sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan, tụy khiến tôm không đủ dinh dưỡng, năng lượng cho sự tăng trưởng và lột xác. Hậu quả là tôm chậm lớn, giảm sức đề kháng dẫn tới nguy cơ tôm bị nhiễm thứ phát các tác nhân gây bệnh khác và làm chết tôm. Ngoài ra, tôm nhiễm EHP có thể tăng tính mẫn cảm với một số bệnh  như: Đốm trắng (WSD), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND),… dẫn đến tỉ lệ chết có thể lên đến 100% trong khoảng thời gian ngắn.

Bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei dưới kính hiển vi điện tử

 

Các loài tôm bị bệnh bao gồm tôm sú (P. monodon), tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), tôm he (P. japonicus, P. merguiensis) ở tất cả các giai đoạn (giống, thương phẩm).

Bệnh do EHP có tốc độ lây lan nhanh theo đường truyền dọc và truyền ngang. Tôm mẹ truyền qua cho tôm con trong quá trình sinh sản, EHP tồn tại trong trứng của tôm mẹ và nở ra tôm con bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó tôm còn bị bệnh do môi trường có mầm bệnh hoặc do ăn thức ăn tươi sống có mầm bệnh. EHP trong môi trường nuôi bám vào vỏ tôm trong quá trình lột xác để xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.  Tôm ăn thức ăn tươi sống hoặc sinh vật trong ao nuôi bị nhiễm EHP như: các loài giun đất, giun nhiều tơ (dời), động vật hai mảnh vỏ (ngao, sò, hàu…) và Artemia…

Về triệu chứng bệnh tích: Tôm bị bệnh EHP không có bệnh tích điển hình. Tôm nhiễm EHP thường có kích cỡ không đồng đều sau khoảng 25 ngày thả nuôi. Tăng trưởng của tôm chỉ đạt từ 10 – 40% so với tôm ở các ao không nhiễm bệnh. Ngoài ra, EHP thường được phát hiện nhiều trên các ao tôm nuôi đã nhiễm hội chứng phân trắng (WFS) với tỷ lệ nhiễm lên đến 96% và hội chứng chậm lớn (MSGS) với tỉ lệ nhiễm khoảng 55,5%.

Tôm nhiễm EHP có kích cỡ không đều

 

Phòng và trị bệnh: EHP là bệnh ký sinh trùng nội bào, đến nay chưa có thuốc điều trị, do đó việc sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh là không hiệu quả. Việc lạm dụng kháng sinh làm cho tôm chậm lớn và gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Vì vậy việc phòng, chống bệnh do EHP chủ yếu dựa vào việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong quản lý ao nuôi như quản lý con giống, thức ăn, môi trường nuôi, quy trình nuôi,… Việc thực hiện đầy đủ, liên tục các yêu cầu an toàn sinh học là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.

Chi cục Chăn nuôi & Thú Y TP. HCM

Tin mới nhất

T7,27/04/2024