Bạc Liêu: Hướng tới nuôi tôm giảm phát thải

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Với diện tích nuôi tôm 140.000 ha và sản lượng tôm thu hoạch hàng năm lớn nhất nhì cả nước, Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. 

Chị Đỗ Thị Điệp trên ruộng tôm – lúa

Tôm lúa, tôm rừng giúp giảm phát thải

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, để đạt được mục tiêu bền vững, các hoạt động nuôi trồng thủy sản cần được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ và tăng cường khả năng phục hồi của các nguồn tài nguyên thủy sản. “Bên cạnh phát triển các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, Bạc Liêu cũng đang chú trọng phát triển các loại hình nuôi tôm giảm phát thải khí nhà kính như: tôm – lúa quảng canh, tôm rừng quảng canh…”, ông Nguyễn Trung Hiếu nhấn mạnh.

Đến cánh đồng của nông dân thuộc Hợp tác xã (HTX) Thành Công 1 ở ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi đã được tham quan những ruộng tôm – lúa. Chị Đỗ Thị Điệp, một xã viên của HTX Thành Công 1 cho biết, gia đình có 12 ha ruộng, trong đó có 4 ha nằm trong vùng đê bao ven sông, giảm được độ mặn, nên còn sản xuất được một vụ lúa. Đồng đất của xã Phong Thạnh A nằm cách biển khoảng 35 km, xưa kia ruộng “ngọt” nên canh tác được 2-3 vụ lúa. Thế nhưng từ khoảng 15 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, cùng với hiện tượng suy giảm mực nước các con sông (những nhánh rẽ từ sông Hậu đổ ra biển), dẫn đến xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt. “Từ mười năm nay, độ nhiễm mặn ngày càng cao, nên không thể trồng được 2-3 vụ lúa như trước đây nữa, mà phải chuyển đổi sang nuôi hai vụ tôm và trồng một vụ lúa”, chị Điệp chia sẻ.

Canh tác hữu cơ, tôm sống khỏe

Theo chị Điệp, suốt các tháng mùa khô, do nước mặn từ biển theo sông tràn vào, cây lúa không thể sống được. Vụ tôm thứ nhất bắt đầu thả giống vào cuối tháng 12 dương lịch, đến tháng 2 năm sau thả tiếp lứa tôm thứ hai. Sang tháng 3, dùng lưới thu hoạch tôm thả nuôi lứa đầu, những tôm mới thả lứa hai và tôm bé do kích thước nhỏ, sẽ lọt qua lưới rơi lại xuống ao, chờ đến tháng 6 sẽ được thu hoạch.

Trong suốt quá trình nuôi tôm, hoàn toàn không cho ăn thức ăn công nghiệp, thay vào đó trộn men vi sinh vào cám gạo hoặc phân gà rồi thả xuống ruộng. Cám gạo lên men sẽ trở thành thức ăn cho tảo và các loài phù du phát triển trong nước ruộng, trở thành thức ăn cho tôm. Phù du dưới ruộng sinh ra rất nhiều loài: cà nghiêu, trùn chỉ (giun đỏ), các loại rong, tảo…

“Những năm trước đây, khi Dự án chưa về, nông dân tự học theo nhau về cách nuôi tôm, chứ không có kiến thức kỹ thuật. Hồi đó, tôm thả với mật độ cao hơn, sử dụng cả phân gà và thức ăn công nghiệp để cho ăn, tỷ lệ tôm chết rất lớn, thường xuyên thua lỗ”, chị Điệp tâm sự.

Theo chị Điệp, từ khi có Dự án tôm – lúa hữu cơ nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm quảng canh theo hướng hữu cơ: thả nuôi với mật độ thấp, không sử dụng thức ăn công nghiệp, sử dụng thiết bị đo độ mặn để thực hiện bơm nước vào hay bơm nước ra để duy trì độ mặn trong ruộng. “Nhờ nuôi theo quy trình kỹ thuật, tôm sống khỏe, hầu như không còn bị lỗ vốn. Hiện nay với 4 ha tôm – lúa của gia đình tôi tham gia mô hình, mỗi vụ thu về 160-200 triệu đồng tiền bán tôm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận còn khoảng 120 triệu đồng”, chị Điệp nói.

Từ cuối tháng 8 trở đi, do mưa nhiều, độ mặn giảm xuống dưới 2‰ thì mới gieo trồng được lúa, cho đến đầu tháng 12 thì thu hoạch. Mỗi khi có mưa xuống, nước trong ruộng sẽ được ngọt hóa, nhưng chỉ một ngày sau muối ở trong đất sẽ hòa tan vào nước khiến độ mặn tăng lên. Do đó, phải thường xuyên bơm nước từ ruộng ra kênh, làm khô ruộng lúa.

“Trước đây, vẫn sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu cho lúa. Các hóa chất này tồn dư trong ruộng, làm cho tôm chết hàng loạt. Từ khi được tập huấn kỹ thuật canh tác mới, không bón phân và thuốc hóa học nữa mà thay băng phân lợn, phân gà, thuốc trừ sâu sinh học. Tuy hiệu quả phòng trừ sâu bệnh thấp hơn, năng suất lúa thấp hơn, nhưng bù lại đến vụ nuôi tôm, tôm sống khỏe, nên tổng thu nhập của 3 vụ cao hơn, ít rủi ro thua lỗ hơn”, chị Điệp chia sẻ.

Ngoài 4 ha ruộng nằm trong vùng dự án, nhà chị Điệp còn 8 ha do nằm ngoài vùng đê bao sông. Do không thể bơm nước để điều chỉnh độ mặn, nên trên diện tích đó chỉ biết thả nuôi tôm quảng cảnh cả 3 vụ, nhưng tỷ lệ chết rất cao. Cả 8 ha đó bình quân mỗi năm đem về cho gia đình khoảng 150 triệu đồng tiền bán tôm, lợi nhuận 60-80 triệu đồng/năm.

Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm – lúa

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trường phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho biết¸ được sự hỗ trợ từ Chương trình “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì, trên vùng đất nhiễm mặn của tỉnh Bạc Liêu đang triển khai Dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm – lúa theo hướng chứng nhận quốc tế”. Dự án đang được nhiều HTX hưởng ứng, với tổng diện tích 190 ha, gồm 50 ha tôm rừng và 150 ha tôm – lúa. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nuôi tôm đã giảm hẳn rủi ro so với trước kia. Trước đây, tỷ lệ số vụ nuôi tôm thua lỗ của nông dân là 50/50, thì nay tỷ lệ thua lỗ chỉ còn khoảng dưới 10%.

Ông Ngô Tiến Chương, Cán bộ cao cấp của Dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm – lúa theo hướng chứng nhận quốc tế” cho biết trong các mô hình tôm – lúa hữu cơ, các loại tảo khuê, tảo lam phát triển, trở thành thức ăn cho tôm, nhờ vậy giảm tối đa lượng thức ăn công nghiệp cho tôm. Phân do tôm thải ra sẽ trở thành dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, nên không cần sử dụng phân bón hóa học.

Trong khuôn khổ của dự án, 30 cán bộ thủy sản đã được đào tạo năng lực; 279 nông dân được đào tạo về quy trình kỹ thuật tôm – lúa theo hướng hữu cơ; 150 nông dân được đào tạo chứng chỉ quốc tế (ASC, EU Organic). Hiện nay, đã có 150 hộ dân tham gia mô hình được ký hợp đồng liên kết bán sản phẩm cho Công ty Thủy sản Minh Phú.

“Kết quả kiểm nghiệm trong các mô hình canh tác lúa – tôm hữu cơ cho thấy, chất lượng nguồn nước đảm bảo cho việc phát triển mô hình nuôi tôm – lúa theo hướng hữu cơ dựa trên những chỉ tiêu phân tích. Với ứng dụng vi sinh trong quá trình nuôi giúp chất lượng nước ổn định, tảo lục và tảo khuê chiếm ưu thế, trong khi hạn chế sự phát triển của tảo mắt và tảo lam phát triển. Nhóm sinh vật đáy được cải thiện góp phần làm tăng năng suất tôm nuôi”, ông Ngô Tiến Chương khẳng định.

Hướng tới thực thi cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 là đưa phát thải về “net zero” vào năm 2050, PGS.TS. Võ Nam Sơn, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, ngành hàng tôm cần phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn: Đầu vào “xanh” – Tái sử dụng tất cả các nguồn thải cho một quy trình sản xuất khác. Ông Sơn khuyến cáo các nông hộ, trang trại nuôi tôm nên chuyển đổi theo hướng tuần hoàn khép kín, nuôi đa loài trong một ao, trang trại sản xuất kết hợp (tôm + khác), sử dụng các đầu vào “xanh” như: dùng điện mặt trời hoặc sử dụng năng lượng xanh, ngừng sử dụng phân bón hóa chất, nuôi thêm các loài hấp thu hữu cơ (chất lơ lửng), nuôi kèm các loài hấp thu vô cơ.

Chu Khôi

Tin mới nhất

T6,03/05/2024