Ba công nghệ nuôi tôm nổi bật năm 2019: Chất lượng tốt, hiệu quả cao

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Mạnh dạn thay đổi cách làm mới, đầu tư vào công nghệ mới đang mang đến những thay đổi tích cực đối với hoạt động nuôi tôm của bà con nông dân Việt.

Theo xu thế phát triển nhanh chóng của ngành nuôi tôm nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản trên thế giới nói chung, mô hình nuôi ao đất truyền thống tại Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu kém và không còn phù hợp. Theo đánh giá chung của người nuôi tôm, nuôi tôm ao đất không được thuận lợi như trước, rất khó thành công.

Nguyên nhân lý giải đó là qua các vụ nuôi, trầm tích tích tụ trong ao nhiều, thời tiết diễn biến thất thường kết hợp với việc xử lý môi trường nước nuôi chưa triệt tạo ra cơ hội thuận lợi cho các mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi tôm. Đặc biệt, hai dịch bệnh nghiêm trọng và phổ biến nhất trên tôm nuôi là hoại tử gan cấp tính và bệnh đốm trắng thường gây ra những thiệt hại lớn cho ao tôm.

Nhận thấy những bất cập còn tồn tại, những năm gần đây, theo chủ chương đổi mới phương pháp nuôi trồng, áp dụng công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động nuôi tôm, nhiều hộ nuôi trên cả nước tiếp thu và mạnh dạn ứng dụng, đầu tư. Nổi bật nhất là ba công nghệ: Micro-nano Oxygen, Semi Biofloc và công nghệ CPF Combine mang đến kết quả ấn tượng.

CÔNG NGHỆ SEMI BIOFLOC – TIẾT KIỆM CHI PHÍ

Nuôi tôm theo công nghệ sinh học Semi Biofloc là sử dụng các hạt biofloc phức hợp, có giá trị dinh dưỡng cao để làm thức ăn cho cả tôm con và tôm trưởng thành. Từ đó lượng thức ăn sử dụng cho tôm nuôi công nghệ này có thể giảm tới 30% và đồng thời tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác (như điện, nước, thời gian, thuốc thú y,..).

Nuôi tôm sạch, an toàn theo công nghệ Semi Biofloc

Công nghệ Semi Biofloc đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước, nhờ vào tính khả thi và hiệu quả được kiểm chứng tại các ao nuôi thực tế mà trong năm 2019, phạm vi và diện tích ứng dụng công nghệ ngày càng trở nên rộng rãi, phổ biến.

Tại tỉnh Khánh Hòa, theo Chi cục Thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng đã đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng nuôi theo công nghệ Semi Biofloc. Người nuôi tôm tại đây cho hay, để ứng dụng công nghệ này, các ao đều phải lót bạt nền đáy và bờ ao; có hố thu chất thải, kết hợp với hệ thống xi phông tự động. Mô hình có thể nuôi được 3 – 4 vụ/ năm theo hình thức nuôi 3 pha.

Ở pha 1, ương nuôi tôm giống trên bể nổi có lưới lan áp dụng theo công nghệ Biofloc. Tiếp đến pha 2 (sau 20 ngày nuôi), toàn bộ tôm ương được chuyển xuống ao nuôi ngoài trời, áp dụng công nghệ Semi Biofloc. Tại pha 2, tôm sẽ được nuôi 30  ngày đến khi đạt kích cỡ 200 con/ kg, mật độ 500 con/ m2 trước khi chuyển sang pha 3. Cuối cùng là pha 3, mật độ nuôi sẽ được giảm xuống một nửa, mỗi ao sẽ chỉ thả từ 200 – 250 con/ m2 để nuôi tôm đến khi đạt kích cỡ thu hoạch.

Với công nghệ Biofloc, người nuôi tôm giảm được nỗi lo tôm mắc bệnh do khả năng duy trì chất lượng môi trường nước tốt, hạn chế hạn chế mầm bệnh, từ đó giúp không chỉ nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu.

Trên thị trường, đầu ra của con tôm nuôi Semi Biofloc cũng rất tiềm năng và giá cả cũng luôn được duy trì ở mức ổn định hơn. Các cơ quan chức năng nhận định công nghệ Semi Biofloc sẽ tiếp tục được nhân rộng trong năm 2020.

CÔNG NGHỆ MỚI MICRO – NANO OXYGEN – KẾT QUẢ KHẢ QUAN

Trước thực trạng nghề nuôi tôm ở Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, người dân chưa nắm rõ được kỹ thuật,.. dẫn đến tình trạng tôm nuôi thường hay bị nhiễm bệnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, công ty QNTEK đã tạo ra một chương trình nghiên cứu riêng và phát triển công nghệ Mico – Nano Oxygen mới, lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam.

Công nghệ Micro – Nano Oxygen đảm bảo nuôi tôm sạch

Công nghệ Mico – Nano Oxygen được triển khai cuối năm 2018 tại các vùng nuôi tôm tỉnh Quảng Nam và bước đầu thu hoạch được kết quả khả quan. Công nghệ được đánh giá tích cực trong vấn đề xử lý môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải. Nước sau khi được xử lý qua Micro – Nano Oxygen đảm bảo sạch, giàu oxy và có khả năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông Trần Bá Cương, giám đốc kỹ thuật của QNTEK, trực tiếp triển khai chương trình nghiên cứu cho biết, máy Micro – Nano Oxygen tạo ra rất nhiều oxy,  tôm được nuôi trong nguồn nước giàu oxy sẽ làm cho các vi khuẩn gây bệnh đường ruột chết đi đồng thời làm cho men tiêu hóa trong ruột chúng hoạt động mạnh hơn, chất dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thu nhanh hơn, tốt hơn nên mau lớn và có sức đề kháng tốt.

Đồng thời, khi nước trong ao nuôi được xử lý hiệu quả, có nhiều oxy thì các vi khuẩn có hại trong nước sẽ giảm đáng kể. Do đó, người nuôi có thể hạn chế được việc sử dụng kháng sinh, giúp giảm chi phí đảm yếu tố an toàn sinh học cho con tôm. Bên cạnh đó, trong mô hình này còn sử dụng thêm các loại khoáng vi sinh dược liệu như đinh lăng, tỏi, ổi để tăng cường khả năng kháng thể tự nhiên, giúp tôm hấp thụ và tiêu hóa tốt thức ăn.

Được biết, với công nghệ này, chi phí đầu tư cho mỗi hạ tầng nuôi tôm hết khoảng 6 tỷ đồng. So với cách nuôi truyền thống thì tương đối cao nhưng bù lại chi phí nuôi ít hơn. Nếu như bình thường, người nuôi sẽ mất từ 70.000 – 75.000 đồng chi phí cho 1kg tôm thương phẩm thì công nghệ này chỉ mất khoảng 60.000 đồng/ kg. Bên cạnh đó, nuôi tôm sạch không sử dụng kháng sinh nên giá bán cũng cao hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/ kg.

Mô hình thực hiện tương đối hiệu quả vì mới trong thời gian bắt đầu. Để nâng cao hiệu quả thì ngoài công nghệ cần phải trang bị kỹ thuật nuôi tôm. Trong thời gian tới, phía QNTEK sẽ tiếp tục mở rộng, triển khai mô hình tới bà con nông dân.

CÔNG NGHỆ CPF – COMBINE – NĂNG SUẤT CAO, ĐẢM BẢO AN TOÀN.

Đây là mô hình nuôi tôm công nghệ cao được chuyển gia từ Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Nhờ hiệu quả tốt, trong năm 2019 mô hình được phát triển rộng khắp các vùng nuôi tôm trên cả nước như Quảng Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,…

Mô hình ao ương CPF – Green house

CPF – Combine là sự kết hợp giữa mô hình nhà ương CPF – Green House và mô hình ao nuôi CPF – Turbo Program. Giai đoạn đầu, tôm giống sẽ được nuôi trong nhà ương khoảng 25 – 30 ngày đến khi có sức khỏe tốt, tỷ lệ sống cao mới được chuyển qua ao nuôi. Tôm được tiếp tục nuôi trong ao nuôi với khoảng thời gian 2 tháng để sẽ đạt kích cỡ từ 25 – 40 con/ kg.

Áp dụng thành công mô hình nuôi công nghệ cao CPF – Combine, các hộ nuôi tôm sẽ giảm bớt được sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ, giảm được các bệnh cho tôm trong quá trình nuôi, chủ động được thời gian thả nuôi. Nhiệt độ với môi trường không quá chênh lệch, giúp người nuôi ít lệ thuộc vào thời tiết mùa vụ như phương pháp nuôi trồng truyền thống. Tỷ lệ sống và năng suất tôm cao hơn hẳn.

Theo thống kê, nuôi trong mô hình ao đất truyền thống với diện tích mặt nước nuôi từ 3000 – 4000 m2, năng suất bình quân đạt từ 5 – 6 tấn tôm/ vụ. Trong khi đó, với mô hình CPF – Combine, ao nuôi nhỏ từ 1000 – 1200m2 mặt nước nuôi đã cho năng suất bình quân từ 6 – 10 tấn tôm/vụ.

Ứng dụng theo công nghệ nuôi CPF – Combine, chủ yếu ứng dụng các thiết bị máy móc trong quá trình kiểm tra, chăm sóc nên mật độ nuôi cao hơn. So với mật độ nuôi thông thường từ 70 – 100 con/ m2 thì nuôi 2 giai đoạn bằng công nghệ CPF – Combine cho phép tăng mật độ từ 200 – 400 con/ m2. Tôm được cho ăn bằng máy, các tiêu chuẩn ao nuôi được kiểm tra mỗi ngày: độ pH, độ cứng, calci,…Bên cạnh việc tuân thủ kỹ thuật nuôi, ngay từ khâu đầu vào như con giống, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc an toàn.

Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi, người nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất kháng sinh. Đến giai đoạn thu hoạch, trước khi xuất bán, con tôm sẽ được kiểm tra tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng.

Hiện nay, CPF – Combine được nhân rộng tại nhiều địa phương: tại Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 150ha nuôi tôm công nghệ này, tại Bạc Liêu, nhiều hộ nuôi đã chuyển từ nuôi tôm ao đất sang nuôi tôm lót bạt CPF – Combine nhờ tính hiệu quả, bền vững.

Lương Thảo

Semi Biofloc, Mico – Nano Oxygen, CPF – Combine – ba công nghệ nổi bật được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động nuôi tôm năm 2019 cùng với nhiều mô hình – công nghệ hiện đại tiên tiến khác vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và đưa vào hoạt động nuôi trồng sẽ là nền tảng vững chãi đưa ngành tôm Việt phát triển bền vững nhất.

Tin mới nhất

T5,18/04/2024