Xuất khẩu tôm tháng 4 đạt 287 triệu USD, EU là điểm sáng
 Trong khi xuất khẩu tôm sang Mỹ đảo chiều giảm so với tháng 3 thì EU nổi lên là thị trường có nhiều điểm sáng trong tháng 4.

Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 287 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 974 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tháng 4, tôm của Việt Nam đã có sự thay đổi trong xu hướng nhập khẩu của các thị trường chính.

Nếu như trong các tháng trước đó, Mỹ ghi nhận các mức tăng trưởng mạnh thì tháng 4 năm nay giảm 15%. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 168 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ.

Ngành tôm Việt Nam đang trong giai đoạn “phấp phỏng” trước những thông tin liên quan đến thuế chống trợ cấp. Hiện Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, hy vọng đạt kết quả tích cực sẽ giúp cho rào cản thuế chống trợ cấp được tháo gỡ, giải tỏa gánh nặng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đi Mỹ.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng 1,7%, đạt 64 triệu USD trong tháng 4 năm nay. Kết quả này đã kéo kim ngạch xuất khẩu tôm luỹ kế 4 tháng sang thị trường này đạt 192 triệu USD, tăng 41%.

Còn xuất khẩu tôm sang thị trường Hàn Quốc tăng nhẹ 4% sau khi giảm trong 2 tháng trước đó. Dù vậy, kim ngạch 4 tháng đầu năm nay sang thị trường này đạt 95 triệu USD, giảm 10%.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang thị trường EU sau 2 tháng giảm sâu, đã phục hồi tăng trưởng trở lại trong tháng 4. EU là thị trường chính ghi nhận tăng trưởng tốt nhất trong tháng 4 năm nay với 28%, đạt 38 triệu USD. Nhìn chung trong 4 tháng đầu 2024, giá trị xuất khẩu tôm đạt 119 triệu USD, gần như tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối EU đều tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, xuất khẩu sang Đức, Hà Lan và Bỉ tăng lần lượt 29%, 37% và 39%; còn xuất khẩu sang Đan Mạch tăng mạnh 88%.

Vasep thông tin, vào tháng 4, triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2024 diễn ra tại Tây Ban Nha đã có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Tại đây, các mặt hàng tôm giá trị gia tăng từ Việt Nam đã được quảng bá tới người tiêu dùng và nhà nhập khẩu châu Âu.

Nhìn chung, tôm của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ, là dấu hiệu cho thấy lượng tồn kho tại các thị trường đã giảm bớt. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng vẫn chưa thể hiện rõ khả năng hồi phục.

Trong bối cảnh còn phải đối mặt với nhiều thách thức như về các loại thuế tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, hay căng thẳng biển Đỏ làm tăng cước vận tải biển… Vasep nhận thấy ngành tôm Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng, tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Trong những năm qua, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng tập trung sản phẩm chế biến giá trị gia tăng. Điều này thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Trong đó, sản phẩm tôm xuất khẩu tập trung tăng trưởng vào dòng sản phẩm tôm bỏ đầu, chừa đuôi. Đến nay, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm từ 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm.

Hồng Ân

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Dự kiến vào tháng 7/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ có quyết định Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu được công nhận nền kinh tế thị trường, đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp trong thời gian tới.