Xây dựng thương hiệu tôm sạch Sóc Trăng

Trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của thị trường xuất khẩu tôm, tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường hỗ trợ nông dân triển khai nhiều mô hình nuôi tôm sạch. Ðây là giải pháp không chỉ giúp phát triển bền vững nghề nuôi tôm, mà còn từng bước hình thành thương hiệu tôm sạch Sóc Trăng…

Mô hình nuôi tôm sạch công nghệ cao của HTX Hòa Nghĩa, huyện Vĩnh Châu.

Nở rộ mô hình nuôi tôm sạch

Hợp tác xã (HTX) Thành Ðạt ở xã Hòa Tú I, huyện Mỹ Xuyên có 76 thành viên, nuôi 66 ha tôm nước lợ. Nhiều năm nay, các thành viên HTX này không còn dùng kháng sinh, mà thay bằng áp dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm. Giám đốc HTX Thành Ðạt Nguyễn Hoàng Anh cho biết, việc áp dụng vi sinh, tuy chi phí có cao hơn, nhưng tôm bán được giá hơn, cho nên tính ra lợi nhuận cao hơn trước. Ngoài ra, khi nuôi tôm bằng vi sinh, tỷ lệ thành công luôn cao và ổn định.

Trước đó, HTX nông ngư 14/10 ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên đã tiên phong áp dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm. Ðây cũng là HTX nuôi tôm đầu tiên của huyện này được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hiện HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ASC (là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên bốn nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm) từ hai năm nay. Giám đốc HTX Ngô Công Luận chia sẻ, nuôi tôm theo chuẩn VietGAP hay ASC không khó, do trước đây giá bán tôm VietGAP không có sự khác biệt so tôm khác cho nên các thành viên còn ngại đầu tư. Hiện nay, chỉ cần tôm sạch, không nhiễm kháng sinh là được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn bên ngoài từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg, nếu đạt chuẩn ASC sẽ còn cao hơn. Ðiển hình như gia đình anh Lâm Minh Lớn, xã viên HTX, nhờ nuôi tôm sú theo tiêu chuẩn VietGAP, đã thu lợi nhuận đạt hơn 400 triệu đồng từ 2,2 ha mặt nước thả nuôi tôm nước lợ mỗi vụ.

Ở huyện Mỹ Xuyên còn có mô hình tôm – lúa hữu cơ đang được nông dân áp dụng rất thành công. Với mô hình này, nông dân không chỉ có được lúa thơm ST đang “gây sốt” trên thị trường gạo ST25 khi đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” mà còn có được tôm hữu cơ. Giám đốc HTX nông ngư Hòa Ðê, Mã Văn Hồng cho biết, HTX có 71 thành viên với tổng diện tích 81 ha theo mô hình “tôm – lúa”. Năng suất và hiệu quả mô hình tôm – lúa mang lại cho người dân thu nhập khá ổn định. Riêng lợi nhuận từ tôm mang lại là 80 triệu đến 90 triệu đồng/ha. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, Ðặng Văn Phương cho biết, huyện giữ vững diện tích gần 10.000 ha tôm lúa. Những năm qua, nhờ áp dụng và duy trì mô hình tôm – lúa, sản xuất nông nghiệp của huyện Mỹ Xuyên phát triển ổn định. Nông dân hưởng lợi nhờ lúa thơm luôn được giá và tôm ít bị chết do dịch bệnh hơn.

Không chỉ ở Mỹ Xuyên, tại vùng nuôi tôm lớn nhất của Sóc Trăng là thị xã Vĩnh Châu, ngày càng có nhiều mô hình nuôi tôm sạch không dùng kháng sinh. Giám đốc HTX thủy sản Hòa Nghĩa, ấp Cảng Buối, xã Hòa Ðông, thị xã Vĩnh Châu, Ngô Anh Tuấn cho biết HTX có 19 xã viên với 65,7 ha nuôi tôm. Nhờ đạt các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, các thành viên HTX đều an tâm vì đầu ra rất ổn định, rủi ro thấp. Ðến nay, các thành viên HTX không còn hộ nghèo, chỉ có khá, giàu. Xã viên Tăng Văn Xúa, có 6 ha áp dụng nuôi tôm sạch chia sẻ, để nuôi tôm thành công cần con giống phải tốt, sạch bệnh, môi trường nước ở ao nuôi phải bảo đảm vệ sinh.

HTX Toàn Thắng, ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu có 30 thành viên với 43 ha nuôi tôm, đã đạt chứng nhận VietGAP từ ba năm nay. Giám đốc HTX Mai Văn Ðấu cho biết, nhờ đạt chuẩn tôm “sạch”, năm 2019, HTX thu hoạch 162 tấn tôm, bán được hơn 14 tỷ đồng, thu lãi 6,7 tỷ đồng. Những thành viên có diện tích nuôi tôm lớn là các hộ Phan Hoàng Diệp, Trang Chí Huỳnh và Phạm Thị Ngọc Thu, mỗi hộ nuôi hơn ba ha.

Năm 2019, Sóc Trăng có hơn 57.500 ha tôm nước lợ; trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 38.000 ha, tôm sú hơn 19.000 ha; sản lượng tôm đạt hơn 150.000 tấn, vượt hơn 10% so với năm trước. Năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng đạt 4,4 tấn/ha; tôm sú 1,5 tấn/ha. Xác định tôm nước lợ là con giống thủy sản chủ lực, tỉnh Sóc Trăng đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như quản lý vùng nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết chuỗi và xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, thủy lợi, giống nuôi, nhân rộng mô hình chuẩn VietGAP. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Sóc Trăng, Lương Minh Quyết cho biết, trong năm 2019, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục cấp chứng nhận VietGAP cho hai HTX, nâng tổng số cơ sở được chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn khác trong toàn tỉnh lên 33 cơ sở, với diện tích nuôi 1.200 ha.

Nhân rộng mô hình theo hướng bền vững

Theo Phó Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình, hằng năm, tỉnh hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng để xây dựng công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Việc nhân rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm sạch an toàn vệ sinh thực phẩm đang đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân trong việc xây dựng chuỗi sản xuất. Ðây là yêu cầu cấp thiết để Sóc Trăng nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu tôm ở trong nước và nước ngoài trước yêu cầu của những thị trường xuất khẩu khó tính.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, cần có nhiều hơn diện tích tôm nuôi đạt chuẩn quốc tế và giá thành hạ để tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy nhanh chương trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam nói chung và tôm sạch Sóc Trăng nói riêng. Hiện nay, Bộ NN và PTNT đã triển khai chương trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở Sóc Trăng nói riêng đang tích cực đầu tư xây dựng vùng nuôi tôm cho riêng mình hoặc hợp đồng liên kết với các HTX, tổ hợp tác (THT) để đầu tư nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế.

Tại Sóc Trăng, tùy theo năng lực của mình, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm lựa chọn hình thức đầu tư vùng nguyên liệu khác nhau như: thuê đất, mua đất để nuôi; liên kết với các THT, HTX đầu tư, tiêu thụ tôm nuôi đạt chuẩn quốc tế, tôm sạch không nhiễm kháng sinh hay chất cấm… Những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm lớn như: Stapimex, Sao Ta, Vinacleanfood, Tài Kim Anh, Khánh Sủng… đều đã xây dựng cho riêng mình vùng nuôi tôm để dễ truy xuất nguồn gốc, đạt chứng nhận quốc tế rộng hàng trăm héc-ta. Vùng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Sao Ta đã được mở rộng hơn 200 ha, giúp công ty chủ động 30% nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) Võ Văn Phục, việc đầu tư vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đạt chứng nhận quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp chứng minh được nguồn gốc, chất lượng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm, mà còn giúp nâng cao uy tín doanh nghiệp với các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, từ đó, giúp việc xây dựng thương hiệu tôm của doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Theo dự báo, thị trường xuất khẩu tôm đang trên đà tăng trưởng và nhu cầu xuất khẩu tôm sẽ còn tăng. Ðể tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp với người sản xuất, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn các giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất đạt chuẩn quốc tế. Qua đó, tăng cường liên kết và xúc tiến thương mại sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

BÀI, ẢNH: NGUYỄN PHONG

Nguồn tin: Nhân Dân

Tin mới nhất

T5,07/11/2024