VASEP: Kiến nghị tiếp tục xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc

 Sau năm 2015 khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng từ 585 triệu USD năm 2015 lên 787 triệu USD năm 2023, tăng 35%. Trước đó, năm 2012 và 2013, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ghi nhận giá trị thấp hơn năm 2015. Sau 10 năm 2013-2023, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc tăng từ 521 triệu USD lên 787 triệu USD, tăng 51%.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một công cụ quan trọng giúp hai nước thực hiện chiến lược phát triển thương mại kinh tế. Hiệp định ó tác động tích cực tới các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong đó có thủy sản.

Trong cơ cấu sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2023, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%. Cá các loại khác (trừ cá tra, cá ngừ) với kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba sang Hàn Quốc, chiếm 20,8%. Còn lại các mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ sang Hàn Quốc lần lượt là cá ngừ, cá tra, cua ghẹ và giáp xác khác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nhuyễn thể khác (chiếm từ 0,3% đến 2,2%).

Trong giai đoạn từ 2015 đến 2023, sau khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng: tôm tăng 37%, mực & bạch tuộc tăng 51%, cá loại khác (trừ cá ngừ, cá tra) tăng 4%. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và nhuyễn thể khác tăng mạnh 3 con số tuy nhiên những sản phẩm  này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm nhẹ.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi, Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc. Việt Nam 22% tổng giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc vào Hàn Quốc.

Năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt hơn 247 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022.

Vụ xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản có tác động, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hải sản của Hàn Quốc từ Nhật Bản. Hàn Quốc không ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản nhưng tăng cường kiểm tra hàng từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, Trung Quốc là nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho Hàn Quốc. Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản của Trung Quốc, cũng khiến nguồn cung mực, bạch tuộc từ Trung Quốc cho các thị trường như Hàn Quốc giảm sút do thiếu hụt nguyên liệu chế biến.

Năm 2023, Hàn Quốc tăng 4% nhập khẩu mực sống/tươi/đông lạnh từ Việt Nam. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực khô lột da, mực nút đông lạnh…

Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong quý đầu năm 2024 khi lệnh cấm NK hải sản Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.

Tôm Việt Nam vào Hàn Quốc vẫn bị ‘vướng’ quy định về hạn ngạch

Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 343 triệu USD, giảm 27% so với năm 2022. Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này giảm trong năm 2023.

xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc vẫn đang vướng phải vấn đề hạn ngạch nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc, DN đang chịu chi phí không nhỏ để có được hạn ngạch. Hiệp hội VASEP đã có kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, mong được quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với Tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024. Bởi lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đã vượt xa mức hạn ngạch cho phép (15.000 tấn/năm, thuế nhập khẩu=0%), và thực trạng các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phải “đấu thầu” để có hạn ngạch nhập tôm Việt Nam với chi phí không nhỏ, 14-16% giá trị lô hàng.

Vấn đề này VASEP cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương hồi tháng 3/2023 và đã được Bộ Công Thương phản hồi trao đổi tại văn bản số 316 ngày 21/4/2023.

Theo báo cáo của Future Market Insights, Inc, nhu cầu tôm ở Hàn Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng bình quân 8,9%/năm trong giai đoạn 2023 – 2033.

Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Hàn Quốc ngày càng tăng do các món làm từ tôm ngày càng đa dạng và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chế độ ăn lành mạnh và giàu protein.

Nhu cầu tiêu thụ giảmNăm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc giảm do kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm. Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc, nhập khẩu thủy sản của nước này trong tháng 12/2023 đạt 127,58 nghìn tấn, trị giá 542,1 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,341 triệu tấn, trị giá 5,928 tỷ USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so với năm 2022. Trong 10 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất năm 2023, Hàn Quốc tăng nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc, Peru, Chile, trong khi giảm nhập khẩu từ Nga, Việt Nam, Na Uy, Nhật Bản.

Khả năng phục hồi cao

Năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 2,1% trong năm 2024, tăng từ mức 1,4% của năm 2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,3% vào năm 2024.

Theo báo cáo của USDA và GAIN, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hàn Quốc ngày càng tăng, trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu thủy sản ròng.

Tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng. Điều này bao gồm các sản phẩm thủy sản ăn liền đã qua chế biến và bộ sản phẩm nấu ăn tiện lợi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu. Xu hướng tiện lợi này gia tăng là do tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới ngày càng tăng. Các sản phẩm chế biến sẵn giúp đơn giản hóa việc xử lý nguyên liệu và giảm thiểu mùi tanh trong quá trình chế biến.

Xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.

Giống như Nhật Bản, xuất khẩu sang Hàn Quốc có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định và là điểm đến của nhiều DN trong thời gian tới trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường phương Tây. Trong khi căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng vọt thì những thị trường gần hơn như Hàn Quốc cũng được nhiều DN quan tâm.

Để có thể “tăng tốc” xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Hàn Quốc, cũng như chinh phục được người tiêu dùng ở thị trường này, các sản phẩm cần phải đảm bảo yếu tố chất lượng, hương vị; có sự ổn định trong sản xuất, chế biến, lưu thông; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông; nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng…

Kim Thu

Nguồn: vasep.com.vn

 

Tin mới nhất

T7,09/11/2024