Tôm lột rớt đáy: Nguyên nhân và cách khắc phục

[Người Nuôi Tôm] – Tôm lột rớt đáy là hiện tượng phổ biến trong nuôi tôm, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm mà còn gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Trong giai đoạn lột vỏ, tôm dễ bị nhiễm bệnh và bị sốc do môi trường

 

Lột xác là quá trình quan trọng khiến tôm không hô hấp được dẫn đến trong sinh trưởng và phát triển của tôm. Tuy nhiên, nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết, nhiều khả năng tôm sẽ mắc một số hội chứng bệnh lý nhất định, mà trường hợp hay gặp nhất là tôm lột xác dính đuôi và rớt đáy.

Đây là hiện tượng đặc trưng liên quan đến tình trạng đáy ao nuôi tôm bị ô nhiễm nghiêm trọng và sự biến động chất lượng môi trường nước. Tình trạng tương tự có thể thấy trong trường hợp tôm chết ở đáy ao sau một tháng tuổi, người nuôi tôm thường gọi là tôm rớt đáy.

Ở những ao nuôi có tảo đáy phát triển hoặc phiêu sinh vật chết gây tích tụ ở đáy ao. Những chất bùn bẩn hữu cơ này bị phân hủy làm cho đáy ao có thể mất cân bằng vi sinh, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển hay thậm chí là phát sinh các chất độc. Trong quá trình lột vỏ, tôm sẽ lẩn trốn ở nền đáy ao và tiếp xúc với vùng ô nhiễm này. Vì thế trong giai đoạn lột vỏ, tôm dễ bị nhiễm bệnh và bị sốc do môi trường.

 

Nguyên nhân tôm lột rớt đáy

– Tôm bị nhiễm nấm nên khi lột sẽ dính chân, dính đuôi và chết.

– Tôm thiếu dinh dưỡng, khoáng chất, sức khỏe yếu khi lột gặp điều kiện môi trường bất lợi, khí độc tăng cao: H2S, NH3, NO2 làm giảm khả năng thẩm thấu, hấp thụ khoáng nên tôm không làm vỏ mới được và bị chết.

– Do khí độc NO2, khi vừa mới lột xong tôm rất yếu, NO2 truyền vào mang tôm khiến tôm không hô hấp được dẫn đến chết khi chưa kịp làm vỏ.

– Nuôi mật độ dày, khi tôm vừa lột cơ thịt còn mềm và sức khỏe rất yếu chưa kịp hấp thụ khoáng từ môi trường bên ngoài để cứng vỏ thì con này đâm con kia dẫn đến chết.

– Thiếu oxy, trong quá trình lột tôm rất cần oxy để hô hấp, nếu lột rộ mà không đảm bảo oxy đầy đủ thì tôm rất dễ chết.

– Tỷ lệ khoáng không hợp lý, pH và độ kiềm thấp. Thường xuất hiện ở các ao nuôi có độ mặn thấp hoặc nuôi tôm trái vụ vào mùa mưa hoặc những ao nuôi trên những vùng đất nhiễm phèn tiềm tàng. Sau mỗi trận mưa axit từ bờ ao bị rửa trôi, xả xuống làm pH giảm, thậm chí ngay cả khi đáy ao đã được xử lý, cải tạo tốt từ ban đầu.

 

Cách khắc phục tôm lột dính chân, dính đuôi, rớt đáy

Vệ sinh ao nuôi trước khi bắt đầu thả tôm

Trước khi tiến hành thả tôm, bà con nên vệ sinh kỹ đáy ao, nếu là ao bạt nên vệ sinh kỹ bạt, tránh để lại các chất thải, cặn gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống của tôm.

Tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển ngay từ đầu là một trong những cách giúp hạn chế các bệnh trên tôm và hiện tượng tôm rớt đáy.

Đối với ao bị ô nhiễm, để lâu ngày: vệ sinh ao thật sạch sau đó ngâm 2–3m nước với 20kg clorin cho 1.200m2 trong 1 ngày, đồng thời dùng bơm chìm hút nước clorin này xịt rửa bờ ao, quạt, phao. Sau đó rút hết nước chứa chlorine ra và thả nước nuôi tôm đạt chất lượng vào.

Sử dụng thức ăn bổ sung cho tôm

Tôm muốn lột xác được bắt buộc phải hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, chất khoáng cần thiết,… Tôm thường lột xác vào buổi tối, khoảng 22h-2h, đối với tôm thẻ chân trắng, ngày nào cũng lột vì tôm ăn đủ sức là tôm lột.

Trong giai đoạn trước, trong và sau khi lột, bà con cần bổ sung khoáng đầy đủ, việc cung cấp khoáng đúng lúc giúp tôm lột xác thuận lợi, đẩy nhanh tốc độ cứng vỏ sau lột và giúp tôm tránh xa các mối nguy hiểm.

Để cung cấp chất khoáng cần thiết cho quá trình lột xác, phòng ngừa một số bệnh của tôm do thiếu khoáng (đục cơ, cong thân, lột dính,…), giúp tôm có thể tái tạo vỏ nhanh, cứng vỏ sau quá trình lột xác, bà con có thể sử dụng khoáng canxi clorua (CaCl2), magie clorua (MgCl2),…

Theo dõi các yếu tố môi trường nước

Thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng nước: pH, kiềm, hàm lượng oxy, khí độc,… nếu pH và độ kiềm thấp cần bón vôi. Trước những cơn mưa lớn cần rải vôi tôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao để tránh hiện tượng pH giảm thấp đột ngột.

Trong quá trình lột xác, nhu cầu oxy của tôm tăng gấp đôi nên cần tăng cường sục khí trong ao bằng quạt nước. Đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao luôn ở mức 4 – 6 mg/l trong suốt quá trình lột xác của tôm.

Sử dụng men vi sinh ổn định môi trường đáy ao

Chất lượng môi trường đáy ao nuôi kém, ao tôm xuất hiện khí độc là nguyên nhân hàng đầu khiến tôm rớt đáy. Khi hiện tượng rớt đáy xảy ra rải rác trong ao nuôi tôm, bà con nên khắc phục ngay bằng cách sử dụng men vi sinh xử lý khí độc NO2, NH3 để xử lý tình trạng này.

Khi thấy ao nuôi có hiện tượng rớt đáy tăng dần mỗi ngày, bà con cần xác định rõ ngay từ đầu nguyên nhân gây ra, mới có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Vì vậy, cần kiểm soát ao tôm thường xuyên thông qua việc dùng nhá, thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường.

Chinh Lê

Học viện Nông nghiệp Việt Nam