Thủy sản xanh: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng

Quảng Nam đang theo đuổi phát triển thủy sản xanh, thân thiện với môi trường, giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi, phát triển bền vững.

Nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi tất yếu của thủy sản xanh để bảo vệ môi trường, đem lại lợi nhuận lớn cho người đầu tư. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Trong Chiến lược phát triển kinh tế biển, Tỉnh ủy Quảng Nam định hướng phát triển bền vững, giảm khai thác hải sản, tăng tỷ trọng nuôi trồng, đa dạng đối tượng nuôi, kết hợp nuôi trồng thủy sản với du lịch sinh thái.

Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tham mưu cơ chế, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học – công nghệ tiên tiến, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Xanh trong nuôi tôm thâm canh

Thâm canh, xanh hóa nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng cát ven biển đang thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản Quảng Nam. Công ty CP Chăn nuôi C.P đã phối hợp các nông hộ trên địa bàn huyện Duy Xuyên và Núi Thành tạo chuỗi liên kết nuôi tôm an toàn bằng ứng dụng công nghệ hiện đại rồi thu mua chế biến, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Với quy trình lắng lọc tuần hoàn nước khép kín kết hợp với nuôi tôm 4 giai đoạn, nông hộ không phải thay nước, giảm công sức lao động; mỗi năm 3 vụ đem lại hiệu quả vượt trội với năng suất lên đến 40 – 45 tấn/ha.

Ông Hoàng Xuân Thọ – Phó Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P cho rằng, nông hộ nuôi tôm công nghệ tiên tiến theo hướng xanh hóa, như mô hình CPF Combine hiệu quả cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống.

Ưu điểm của mô hình CPF Combine là dễ quản lý ao nuôi, chuyển động của lực ly tâm giúp lượng thức ăn dư thừa, xác tôm chết tập trung ở đáy ao, người nuôi dễ kiểm soát, dễ kiểm tra đáy ao, đảm bảo chất lượng nước sạch. Việc hút cặn đáy ao cũng dễ hơn, khi thay nước chỉ cần xả van, giúp tiết kiệm điện và công lao động vệ sinh đáy ao.

Quy trình nuôi 4 giai đoạn giúp môi trường ao nuôi trong từng giai đoạn ít biến động, từ đó ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao sức khỏe và tỷ lệ sống của tôm.

Khi chuyển giai đoạn sẽ tận dụng được ưu thế tăng trưởng nhanh của tôm do san thưa mật độ, giúp tôm lớn nhanh, đạt được kích cỡ lớn, tăng năng suất thu hoạch. Mô hình giúp xoay vụ nhanh, có thể nuôi nhiều vụ trong năm.

Toàn bộ quá trình nuôi chỉ sử dụng các loại khoáng chất, chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ngoài, xuất khẩu thu lợi nhuận lớn.

Và nuôi biển

Tại Núi Thành, người dân các xã Tam Tiến, Tam Hải phối hợp chính quyền, ngành chức năng nuôi thủy sản xanh, thủy sản sinh thái ở các cánh rừng ngập mặn.

Cách thức này phù hợp, đem lại nguồn thu khá còn môi trường, đa dạng sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt. Các cánh rừng ngập mặn nuôi thủy sản đã trở thành “lá chắn” bảo tồn sinh học gắn với sinh kế bền vững.

Ông Nguyễn Tiến Vân (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải, Núi Thành) đang đầu tư nuôi biển công nghệ cao với các loại hải sản như cá chẽm, cá mú, cá hồng.

Ông Tiến đã mua lồng bè HDPE kiên cố để chống chọi với gió mạnh, đầu tư lâu dài. Cách thức nuôi biển là sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho các loài hải sản tự nhiên phát triển. Ông Tiến cho biết, trong tương lai gần sẽ đầu tư thêm các khu vực phục vụ tham quan của du khách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, phát triển nuôi biển tự nhiên kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và du lịch là hướng đi tất yếu trên lộ trình phát triển thủy sản xanh của Quảng Nam.

Thủy sản xanh nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao hiệu quả cạnh tranh sản phẩm, gia tăng giá trị xã hội.

Tuy nhiên, hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa được phê duyệt.

Vì vậy chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ lồng tiên tiến. Khi các quy hoạch nói trên được phê duyệt, trên cơ sở đó, Quảng Nam sẽ giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi biển theo hướng phát triển xanh.

Nguyễn Quang

Báo Quảng Nam

Tin mới nhất

T7,09/11/2024