Thương lái lại tranh mua tôm

Sau gần 3 năm liên tục đứng ở mức thấp, giá tôm thẻ chân trắng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản phải ngược xuôi tìm nguyên liệu nhưng vẫn không đủ nguồn tôm để trả nợ hợp đồng.

Với mức tăng từ 15.000-45.000 đồng/kg tùy kích cỡ như hiện nay, người nuôi tôm tại ĐBSCL đạt lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo nông dân không nên đua nhau thả tôm để tránh nguy cơ tăng cung ào ạt, nhất là trong bối cảnh giá tôm Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

>>> Giá tôm thẻ và tôm sú tại tây Nam Bộ và Bình Định ngày 4/12

Giá tôm tăng từng ngày

Ông Nguyễn Văn Sen – một nông dân ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng – cho biết đã khá lâu rồi người nuôi tôm mới hưởng trọn niềm vui trúng mùa, được giá. Sau hơn 3 tháng thả nuôi 350.000 con giống tôm thẻ chân trắng, tôm đạt cỡ 40 con/kg, thu hoạch được 10 tấn.

Giá tôm thẻ chân trắng đang được thương lái mua tại ao khoảng 146.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Sen còn lời khoảng 700 triệu đồng. “Với giá tôm nguyên liệu tăng mạnh như hiện nay, nếu quản lý tốt, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lời khoảng 70.000 đồng/kg, tức đầu tư một lời một” – ông Sen cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phong (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, Bến Tre) cũng cho biết gia đình ông vừa thu hoạch hai ao được hơn 8 tấn. Do tôm của ông Phong đạt cỡ 30 con/kg nên bán được giá cao, trên 175.000 đồng/kg, tăng hơn 40.000 đồng/kg so với cách đây vài tháng.

“Cũng may nhờ vụ này trúng tôm, bán được giá cao, gỡ gạc vốn. Nếu không, chẳng trả nợ được chứ nói gì đến chuyện còn vốn tái đầu tư cho vụ nuôi sau” – ông Phong cho biết. Trong vụ nuôi năm trước, do giá tôm xuống thấp, hao hụt lớn, sản lượng không đạt nên gia đình ông Phong bị thua lỗ nặng.

Hơn 20 năm nuôi tôm, ông Trần Văn Thuận (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết chưa bao giờ thương lái “chăm sóc” người nuôi tôm tốt như lúc này. Do nắm được thông tin gia đình ông có gần 15 tấn tôm thẻ sắp thu hoạch, thương lái gọi điện, đến tận nhà năn nỉ ông bán tôm cho họ. “Người nào cũng muốn mua cho bằng được. Ngoài chào giá cao, họ cam kết sau khi cân tôm xong, trả tiền mặt ngay tại ao” – ông Thuận nói.

Ông Hoàng Văn Thành – một thương lái thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) – nói do thất mùa, chưa phải vụ chính nên tôm nguyên liệu thời gian qua không nhiều. “Trong hai tháng gần đây, dù tranh thủ chạy ngược xuôi tìm mối lái nhưng tôi thu mua tôm cũng không được nhiều. Có hôm chỉ được vài trăm ký. Nếu có nhiều, bao nhiêu cũng bán hết” – ông Thành tiếc nuối.

Nguyên liệu khan hiếm

Bà Nguyễn Thị Hồng – một chủ vựa tôm ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng – cho hay giá tôm thẻ nguyên liệu những ngày gần đây nhảy múa khó lường, có ngày tăng đến 3.000 đồng/kg. Đầu tháng 11, tôm cỡ 40 con/kg chưa chạm 120.000 đồng/kg, nhưng hiện tăng thêm 24.000 đồng, đạt ngưỡng 144.000 đồng/kg, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. “Tuy vậy giá tôm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo sẽ còn tăng trong những ngày tới” – bà Hồng nói.

Tại Bến Tre, giá tôm nguyên liệu còn “nóng” hơn. Tôm thẻ cỡ từ 20-30 con/kg hiện được thương lái chào mua với giá 175.000-190.000 đồng/kg, tăng hơn 50.000 đồng/kg so với ba tháng trước đó. Giá tôm cỡ 100 con/kg cũng tăng nhẹ, được thương lái mua trên 100.000 đồng/kg.

Theo ông Võ Văn Phục – tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, do sản lượng năm nay giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối tăng mạnh. Nhiều thương lái tại các địa phương khác đổ về Sóc Trăng tìm mua nguyên liệu, chào giá hấp dẫn, nhưng với lợi thế sân nhà, các doanh nghiệp của tỉnh chiếm lợi thế hơn. Người nuôi vẫn thích bán cho bạn hàng truyền thống lâu nay.

Ông Trần Văn Trung – giám đốc Công ty TNHH thủy sản Anh Khoa, Cà Mau – cũng cho biết công ty đang gặp khó trong khâu tôm nguyên liệu, do nguồn cung không chỉ khan hiếm mà giá khá cao, tăng trung bình 15-20%. Điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu tôm năm nay. 

“Tôm sú và tôm thẻ đều thất thu so với năm ngoái, tôm nguyên liệu giảm nhiều. Bài toán tôm nguyên liệu xuất khẩu từ nay đến cuối năm chưa thấy có dấu hiệu khả quan” – ông Trung nhận định.

Theo ông Hồ Quốc Lực – tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), do thiếu nguyên liệu chế biến, các nhà máy tranh mua để “trả nợ” những hợp đồng đã ký trước đó nên đẩy giá tôm thời gian gần đây leo thang. “Giá hợp đồng không tăng, do vậy càng thu mua nhiều, doanh nghiệp càng lỗ” – ông Lực nói.

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

Ông Hồ Quốc Lực (tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng):

Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Các vùng nuôi tôm lớn trên thế giới đều đang gặp sự cố về dịch bệnh tôm nên khả năng cung ứng từ nay đến cuối năm không đáng kể. Do cung cầu, giá tôm tươi sẽ tăng đều nhẹ từ nay đến cuối năm. Nhưng nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm ở cuối năm, giá tôm sẽ khó duy trì ở mức cao. Bởi thương lái Trung Quốc sẽ ngưng hoặc giảm mua tôm cỡ lớn, khả năng sẽ có tác động làm giá tôm tươi điều hòa hơn.

Dự kiến từ tháng 3 năm sau, các vùng nuôi thuộc Nam bán cầu sẽ bắt đầu thu hoạch tôm, nhất là từ Indonesia. Nếu thu hoạch tốt, giá sẽ giảm như từng xảy ra hai năm qua. Tuy nhiên, do dịch bệnh tôm nên đến thời điểm này chưa có một dự báo rõ ràng về khả năng cung năm 2020. Do vậy, các hộ thả nuôi sớm năm 2020 sẽ có giá bán khả quan, xuất phát từ giá cao hiện nay.

Ông Lương Minh Quyết (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng):

Không đua nuôi tôm ào ạt

Tôm được giá, nông dân vui mừng, nhưng không vì vậy mà ồ ạt thả giống. Chỉ khi nào đủ điều kiện mới nên thả nuôi tránh rủi ro, bị dội hàng và rớt giá. Việc có nhiều thương lái cạnh tranh thu mua tôm sẽ tạo sân chơi bình đẳng, có lợi cho người nuôi. Đơn vị nào có chính sách tốt, giá hợp lý thì nông dân sẽ hợp tác. Đó là quy luật thị trường.

Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản Sóc Trăng đều đầu tư nuôi tôm quy mô trang trại, công nghệ cao. Ngoài việc phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, có nguồn tôm sạch, nhờ có trang trại riêng mà các doanh nghiệp Sóc Trăng chủ động hơn trong khâu nguyên liệu.

Tin mới nhất

T5,21/11/2024