Thúc đẩy sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng thủy sản

Là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có chiều dài bờ biển khoảng 189 km với nhiều eo vịnh, đầm, phá, và chiều dài sông, suối khoảng 2.600km với khoảng 41 hồ lớn, nhỏ, Phú Yên có đủ tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản kể cả nước mặn, lợ và ngọt. Trong thời gian qua, nhiều đối tượng nuôi được đầu tư phát triển tại Phú Yên như tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, lươn, chình,….

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản Phú Yên gặp nhiều thách thức lớn như sự phát triển một cách ồ ạt phá vỡ quy hoạch, đa phần thức ăn sử dụng cho nuôi trồng thủy sản là thức ăn tươi (cá tạp) được đánh bắt từ tự nhiên, tình hình biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt. Những vấn đề trên đã dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đối với nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sự ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi, bệnh dịch kéo dài khó kiểm soát, vật nuôi dễ bị stress hơn, hệ quả là nghề nuôi mang nhiều rủi ro cao hơn.

Bên cạnh vấn đề chất lượng giống tốt, quản lý môi trường nuôi tốt thì thức ăn là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định hiệu quả của một vụ nuôi.

Có thể phân loại thức ăn dùng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản thành các nhóm như: (1) Thức ăn tự nhiên: Là những cơ thể sinh vật sống và phát triển tự nhiên (hoặc được nuôi) trong hệ thống nuôi dùng làm thức ăn cho động vật thủy sản (như các loài rong tảo và các sinh vật phù du động vật); (2) thức ăn nhân tạo: Còn được gọi là thức ăn khô hay thức ăn viên hay thức ăn công nghiệp. Có hai loại: Thức ăn viên chìm và thức ăn viên nổi, sử dụng chủ yếu nuôi giáp xác (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và cá; (3) thức ăn tươi sống: Là các loại động vật tươi làm thức ăn như: Tôm, cá tạp, ốc, cua…; (4) thức ăn tự chế: Thức ăn do người nuôi tự phối chế chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, quy trình chế biến đơn giản, thức ăn dạng ẩm.

Thức ăn và dinh dưỡng cho động vật thủy sản thường chiếm 35 – 65% tổng chi phí một vụ nuôi. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho động vật thủy sản thì việc lựa chọn và sử dụng thức ăn là một vấn đề đáng quan tâm. Trong đó, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong hoạt động nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu và thiết thực khi mà trữ lượng cá tạp đánh bắt từ tự nhiên đã giảm sút đáng kể, các quy định của Nhà nước về kích cỡ mắt lưới về ngành nghề khai thác ngày càng chặt chẽ để bảo vệ hệ sinh thái biển, bên cạnh đó việc sử dụng thức ăn tươi (cá tạp) còn phụ thuộc mùa vụ đánh bắt, chất lượng không ổn định, không đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, giá tăng cao đặc biệt là mùa biển động. Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn tươi cũng để lại nhiều hệ lụy như gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh bệnh dịch làm chết thủy sản nuôi.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều nhãn hiệu thức ăn công nghiệp được bán để sử dụng cho động vật thủy sản kể cả nước mặn, lợ và ngọt. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, tổng sản phẩm thức ăn thủy sản được xác nhận lưu hành tại Việt Nam là 1.877 sản phẩm (trong nước 1.634 sản phẩm, nhập khẩu 243 sản phẩm). Tại Phú Yên, các sản phẩm thức ăn công nghiệp dành cho thủy sản cũng tương đối đa dạng như thức ăn dành cho tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, cá chim vây vàng, cá nước ngọt da trơn, cá nước ngọt có vảy,… Tuy nhiên chỉ có người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và một số ít hộ nuôi cá sử dụng, còn lại đa số các hộ nuôi cá mú, cá bớp, cá chim, tôm hùm, ốc hương, cá chẽm vẫn dùng thức ăn tươi là các loại cá tạp, sò, tôm loại nhỏ…

Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi đồng thời nâng cao nhận thức người nuôi trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi, hạn chế một phần ô nhiễm hữu cơ do hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai một số mô hình sử dụng thức ăn công nghiệp (thức ăn tổng hợp dạng viên) như: Mô hình nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong lồng, quy mô 200 m3, số lượng con giống thả là 3.000 con, triển khai tại phường Xuân Đài – thị xã Sông Cầu; mô hình nuôi cá mú (cá song) thương phẩm – chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quy mô 3.400 m2, số lượng con giống thả là 3.400 con, triển khai tại xã Xuân Thịnh – thị xã Sông Cầu; mô hình nuôi cá rô đồng, quy mô 5.100 m2, triển khai thực hiện tại xã Hòa Phú – huyện Tây Hòa. Thức ăn công nghiệp sử dụng cho các mô hình có độ đạm theo nhu cầu của từng loài (thức ăn cho cá rô: độ đạm ≥ 26%, cá chim vây vàng: độ đạm ≥ 35%, cá mú: độ đạm ≥ 42%), kích cỡ thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá.

Qua quan sát và theo dõi có thể thấy rằng cá chim vây vàng, cá rô sử dụng tốt thức ăn công nghiệp – cá tăng trưởng và phát triển tốt, riêng cá mú cần thời gian thuần để cá quen với thức ăn công nghiệp dài hơn cá chim vây vàng, cá rô.

Đến thời điểm hiện tại, nhìn chung các đối tượng cá biển (cá chim vây vàng, cá mú), cá nước ngọt (cá rô đồng) thuộc mô hình trình diễn của Trung tâm Khuyến nông có thể ăn được thức ăn công nghiệp dạng viên, có tốc độ sinh trưởng tương đối khả quan. Đây là bước đệm để trong thời gian đến, Trung tâm Khuyến nông sẽ nhân rộng hơn nữa việc sử dụng thức ăn công nghiệp cho nuôi trồng thủy sản nhằm từng bước góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức người dân trong vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nuôi, giảm nguy cơ mắc bệnh dịch trên động vật thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế vụ nuôi thông qua các mô hình trình diễn cũng như các lớp tập huấn, hội thảo kỹ thuật chuyên ngành./.

ThS Võ Thị Thu Hiền – Trung tâm Khuyến nông Phú Yên. Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

Nguồn tin: Trang TTĐT Sở NN&PTNT Phú Yên

Tin mới nhất

T5,25/04/2024