Theo dõi sự biểu hiện của độc tố PirAvp và PirB vp tiết ra từ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp

Các độc tố PirAvp và PirBvp từ Vibrio parahaemolyticus là nguyên nhân gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (VPAHPND) ở tôm. Bệnh này đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu.


VPAHPND giải phóng các độc tố PirAvp và PirBvp vào môi trường và gây nên sự bong tróc hàng loạt tế bào gan tụy tôm. Điều này dẫn đến tỷ lệ chết cao, lên đến 100 %, trong 35 ngày đầu tiên sau khi thả giống. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về hàm lượng các độc tố này tiết ra như thế nào trong quá trình nuôi ở các nồng độ vi khuẩn khác nhau theo thời gian.

Ngày nay, AHPND có thể được phát hiện bằng một số phương pháp, bao gồm mô bệnh học và PCR với gen PirAvp/PirBvp. Tuy nhiên, có những chủng mang gen PirAvp và pirBvp nhưng không biểu hiện triệu chứng bệnh do không sinh độc tố nên phương pháp PCR cho kết quả dương tính giả. Bên cạnh đó, những phương pháp này không thể thực hiện được trong khu vực nuôi trồng thủy sản. Các phương pháp thay thế dựa trên tương tác kháng nguyên-kháng thể bao gồm ELISA và que thử miễn dịch (LFIA) để phát hiện độc tố là cần thiết, nhanh chóng và được thực hiện trực tiếp tại ao nuôi để dễ dàng theo dõi toàn bộ các giai đoạn nuôi. Vì vậy, trong nghiên cứu này, nhóm sử dụng ELISA và que thử miễn dịch để xác định nồng độ vi khuẩn gây bệnh trong môi trường nuôi theo thời gian, nghiên cứu vai trò của các độc tố này trong quá trình gây bệnh, đồng thời giúp phát hiện sớm dịch bệnh tại ao nuôi. Nghiên cứu này cũng lần đầu theo dõi được động học tiết độc tố bằng que thử LFIA.

Kết quả cho thấy cả hai phương pháp ELISA và LFIA đều có thể được sử dụng để phát hiện protein PirAvp và PirBvp của chủng VPAHPND được tiết ra theo thời gian. Phương pháp ELISA có thể phát hiện độc tố PirAvp và PirBvp ở nồng độ vi khuẩn là 100 CFU/ml sau 3 giờ. Sau khi tăng sinh, vi khuẩn tiết ra cả hai loại độc tố như nhau, nhưng sau 12 giờ, sự tiết ra PirBvp của vi khuẩn tăng gấp ba lần so với PirAvp. Trong khi đó, que thử LFIA có thể phát hiện rõ ràng PirAvp và PirBvp sau 3 giờ và 107 CFU/ml. Sau mỗi thời điểm, tín hiệu phát hiện bởi LFIA được tăng lên theo một bậc pha loãng. Kết quả cho thấy, que thử LFIA của nhóm còn có thể được sử dụng để phát hiện sớm AHPND giúp giảm thiệt hại kinh tế cho người nuôi tôm.

Nguồn: Khoa Sinh học – Công nghệ sinh học

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Tin mới nhất

T6,11/10/2024