Quản lý giống thủy sản theo quy định mới nhất của chính phủ

[Người nuôi tôm] –  Luật Thủy sản 2017 với nhiều quy định về sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; điều kiện để các tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản; điều kiện xuất, nhập khẩu giống thủy sản.

SẢN XUẤT/ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN

Điều kiện sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản (được quy định cụ thể tại Điều 24 của Luật Thủy sản 2017).

04 điều kiện để Tổ chức/cá nhân được cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản:

(1) Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập;

(2) Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

(3) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;

(4) Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ, phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

03 điều kiện để Tổ chức/cá nhân được cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản: (1) Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập; (2) Có nhân viên kỹ thuật  được đào tạo  về  nuôi  trồng  thủy  sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học; (3) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học.

Quản lý giống thủy sản theo quy định mới nhất của chính phủ

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản (Nghị định 26/2019/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết tại Điều 20)

Cơ sở sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị như sau: (1) Hệ thống xử lý nước cấp/nước thải và hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu đảm bảo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu vực sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản; (2) Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản.

Bên cạnh đó, phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học,  bao  gồm các nội dung: (1) Nước phục vụ sản xuất/ ương dưỡng; (2) Giống thủy sản trong quá trình sản xuất; (3) Vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; (4) Tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; (5) Kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài; động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở; (6) Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT/ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN

Về thẩm quyền, Nghị định 26 đã hướng dẫn: (1) Tổng cục Thủy sản cấp, cấp lại, thu hồi  Giấy  chứng  nhận  Cơ sở đủ điều kiện sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ; kiểm tra duy trì điều kiện đối với Cơ sở sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ; (2) Cơ quan quản lý nhà nước (về Thủy sản cấp tỉnh) cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản; kiểm tra duy trì điều kiện Cơ sở sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn (trừ trường hợp Cơ sở sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản được cấp Giấy chứng nhận bởi Tổng cục Thủy sản).

Về các quy định liên quan đến việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản (như: Hồ sơ đề nghị; Trình tự cấp, cấp lại Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản; Nội dung kiểm tra; Thời gian kiểm tra; Xử lý vi phạm…), Nghị định 26/2019/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết tại Điều 21 của Nghị định.

NHẬP KHẨU/XUẤT KHẨU GIỐNG THỦY SẢN

Nghị  định  26/2019/NĐ-CP   quy định Nhập khẩu giống  thủy  sản  chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép. Nghị định cũng hướng dẫn về hồ sơ, trình tự cấp phép nhập khẩu giống thủy sản. Theo Vụ Pháp chế

– Thanh tra (Tổng cục Thủy sản), điểm mới của Nghị định 26 đã quy định Bộ Nông nghiệp  và Phát  triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất giống thủy sản tại nước xuất khẩu (khi phát hiện giống thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn sinh học).

Nghị định đã hướng dẫn về việc Xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thuỷ sản cấm xuất khẩu, Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; Đồng thời, quy định Danh mục loài thuỷ sản cấm xuất khẩu quy định tại Phụ lục IX, Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện quy định tại Phụ lục X của Nghị định này.

ĐẶT TÊN GIỐNG THỦY SẢN

Đối với việc Đặt tên giống thủy sản, Nghị định quy định: Mỗi giống thủy sản chỉ được đặt một tên; Giống  thủy sản không được đặt tên mới trong các trường hợp: Trùng với tên giống đã có; chỉ bao gồm các số; vi phạm đạo đức xã hội; dễ gây hiểu nhầm với các đặc trưng, đặc tính của giống thủy sản đó.

KHẢO NGHIỆM GIỐNG THUỶ SẢN

Phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với loài thủy sản khảo nghiệm: Có phòng thử nghiệm (đủ điều kiện theo quy định hiện hành) để theo dõi, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu theo đề cương khảo nghiệm giống thủy sản.

Trường hợp khảo nghiệm giai đoạn sản xuất/ương dưỡng giống thủy  sản: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phải phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập; Có hệ thống xử lý nước cấp/nước thải và hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu đảm bảo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu vực sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản; Trang thiết bị  bảo  đảm  yêu  cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất/ương dưỡng giống thủy sản; Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

Các quy định khác có liên quan đến Khảo nghiệm giống thủy sản (như: Hồ sơ, Trình tự, Thủ tục, Nội dung khảo nghiệm, Giám sát, Kiểm tra, Công nhận kết quả…), Nghị định 26/2019/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết tại Điều 26. Theo đó, Nghị định quy định Tổng cục Thủy sản là cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký khảo nghiệm  giống  thuỷ  sản và phê duyệt đề cương khảo nghiệm giống thuỷ sản.

B.B.Đ

Tin mới nhất

T7,09/11/2024