Phát triển chuỗi tôm công nghệ cao

Một trong những điểm tương đồng của Bến Tre và Cà Mau là đều có vị trí giáp biển, có nhiều tiềm năng khai thác, phát huy lợi thế về hướng Đông, trong đó đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao (CNC). So với Bến Tre, Cà Mau có quy mô phát triển ngành tôm mạnh hơn, xây dựng thành công nhiều chuỗi tôm và được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận. Yếu tố quan trọng làm nên thành công đó là do Cà Mau thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước dẫn dắt.


Tìm hiểu mô hình tôm – lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Trí Lực (Thới Bình, Cà Mau).

Xây dựng chuỗi tôm ở cà mau

Hiện nay, hoạt động nuôi tôm tỉnh Cà Mau phát triển khá mạnh với nhiều loại hình nuôi từ nuôi tôm sú sinh thái, tôm – rừng, tôm – lúa, bán thâm canh, thâm canh đến siêu thâm canh…

Đến thăm mô hình tôm – lúa của Hợp tác xã (HTX) Trí Lực, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, bà con nơi đây khá phấn khởi vì được liên kết với các DN đầu vào, đầu ra và được hưởng các chính sách khi tham gia chuỗi của DN thực hiện. Bắt đầu thành lập từ năm 2018, đến nay, HTX có 600ha sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, của 427 hộ thành viên. Đây là một trong những HTX tiên phong chuyển đổi mô hình sản xuất từ truyền thống sang hữu cơ.

HTX Trí Lực là một mắt xích trong chuỗi tôm – lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ do Tập đoàn Minh Phú thực hiện. Đây là một trong những nhà máy có quy mô chế biến lớn hàng đầu của tỉnh Cà Mau và ĐBSCL. Hiện nay, Tập đoàn Minh Phú đã xây dựng Chiến lược chuỗi giá trị tôm toàn cầu, thông qua việc kết nối và khép kín các khâu sản xuất để mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất với mức chi phí tối ưu nhất. Minh Phú đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, mang lại những giá trị tốt đẹp cho tất cả các thành viên liên quan, đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới với vị thế là nhà cung ứng tôm chất lượng hàng đầu. Đồng thời, tập đoàn đã thực hiện thành công các mô hình nuôi tôm CNC nhiều giai đoạn. Sản lượng tôm từ các vùng nuôi có thể cung ứng 100 ngàn tấn cho các nhà máy chế biến của tập đoàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Đạt chứng nhận quốc tế

Ngoài Minh Phú, Cà Mau hiện có khoảng 30 DN với 38 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm được trang bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Công suất chế biến trên 250 ngàn tấn tôm nguyên liệu/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland, Seafood Watch…

Trong các loại hình nuôi tôm, tỉnh Cà Mau có khoảng 3.952ha nuôi tôm siêu thâm canh (trong tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 278 ngàn ha). Năng suất nuôi bình quân đạt từ 40 – 50 tấn/ha/vụ. Loại hình nuôi siêu thâm canh phát triển mạnh từ năm 2016 (với 175ha), đến năm 2021, diện tích đã tăng lên 3.683ha, với tốc độ tăng bình quân 83,9%/năm. Được các DN quan tâm đầu tư xây dựng các chứng nhận quốc tế, sản phẩm tôm của Cà Mau xuất khẩu khá mạnh. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 1.028 triệu USD.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, nuôi tôm siêu thâm canh mang lại lợi nhuận cao, phù hợp với vùng đất ven biển nhằm đảm bảo nguồn nước cấp và thoát. Đây là hướng phát triển của ngành tôm trong tương lai.

“Cà Mau đang hướng đến hình thức nuôi tôm theo quy trình phổ biến như: Biofloc, Semi Biofloc, CPF-Combine Program của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, năng suất có thể đạt tới 120 – 150 tấn/ha/năm. Đây là mô hình đột phá, rất có triển vọng phát triển trong tương lai để đạt được mục tiêu về sản lượng và giá trị”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Định hướng của tỉnh

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, đối với ngành tôm, tỉnh Cà Mau phát triển hơn Bến Tre rất nhiều. Mô hình này mang lại lợi nhuận cao, nhưng rủi ro lớn, nguy cơ dẫn đến ô nhiễm môi trường rất cao nếu không quản lý tốt, do đó mong muốn học tập kinh nghiệm từ tỉnh bạn.

Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng: Thời gian qua, tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là về môi trường, quy hoạch, hạ tầng, đặc biệt trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Do đó, tỉnh định hướng sẽ phát triển các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến (chuyên tôm, tôm – lúa, tôm – rừng) hữu cơ, theo các tiêu chuẩn quốc tế có quy mô lớn để tạo sản phẩm chất lượng cao. Tiếp tục chuyển đổi mô hình nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả sang nuôi tôm siêu thâm canh. Quy hoạch các vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung ven biển và ven các sông lớn để tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thoát nước.

Trở lại với mục tiêu liên kết phát triển, từ năm 2021, Bến Tre đã mời gọi Tập đoàn Minh Phú đầu tư xây dựng mô hình chuỗi tôm – lúa hữu cơ, nuôi tôm CNC và đầu tư nhà máy chế biến tôm tại các huyện biển của tỉnh. Tập đoàn Minh Phú đang thực hiện thủ tục đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến tôm tại Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại. Đồng thời, đang triển khai một mô hình sản xuất tôm – lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú.

Điểm khác biệt ở đây là bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho con tôm trong vùng, Minh Phú đặt mục tiêu sẽ thúc đẩy bởi các giá trị lịch sử, văn hóa và các mục tiêu phát triển bền vững như: đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, cân bằng lợi ích xã hội. Cụ thể, Minh Phú sẽ dùng 51% lợi nhuận của đơn vị để đầu tư lại cho phát triển cộng đồng, với các chương trình về xã hội, môi trường và nông thôn mới.

“Điều kiện phát triển của hai tỉnh rất tốt và có nhiều tương đồng, tiềm năng để hợp tác phát triển. Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời thực hiện tầm nhìn, Quy hoạch tỉnh Bến Tre trong thời gian tới, Bến Tre muốn chủ động gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực, trong đó có phối hợp chặt chẽ, lâu dài với tỉnh Cà Mau để học tập, hỗ trợ xuyên suốt nhau trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và của khu vực nói chung. Việc phối hợp sẽ gắn với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của vùng…”. (Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi,