Nuôi tôm theo chuẩn thị trường

Con tôm Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng, nhất là trong 2 năm gần đây và hứa hẹn sẽ có năm thứ 3 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số. Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế về trình độ chế biến, ngành tôm vẫn cần nhanh chóng hóa giải những điểm yếu của mình, mà một trong số đó là khả năng truy xuất nguồn gốc và nuôi tôm an toàn theo tiêu chuẩn thị trường đặt ra.

Số diện tích nuôi tôm được cấp mã số cũng như đạt các tiêu chuẩn thị trường hiện còn rất thấp gây không ít khó khăn cho xuất khẩu.

Quá ít tôm có “lý lịch”

Ðến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi khá nhiều hiệp định thương mại tự do đơn phương lẫn đa phương, như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định đối Tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… mở ra nhiều cơ hội, lợi thế xuất khẩu cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, trong đó có con tôm. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về mặt thuế quan, con tôm Việt Nam cũng bắt đầu đối diện với những thách thức ngày một lớn hơn, đó là khả năng truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường.

Theo các doanh nghiệp ngành tôm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện là đòi hỏi chung của hầu hết các thị trường, không chỉ đối với ao nuôi, vùng nuôi, mà cả chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm. Thậm chí, một số đối tác, ngoài việc yêu cầu cung cấp mã số ao nuôi, mà còn đòi hỏi ao nuôi đó phải được định vị toàn cầu để họ có thể kiểm tra, xác định một cách rõ ràng thông qua công cụ riêng của mình. Yêu cầu của thị trường là vậy, nhưng tình hình đăng ký, cấp mã số vùng nuôi tôm của các tỉnh đến nay hầu như chưa có cải thiện đáng kể, khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, chia sẻ: “Việc cấp mã số cho cơ sở nuôi tôm quá chậm gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chứng minh, thuyết phục khách hàng về khả năng kiểm soát nguyên liệu của mình”.

Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo TS. Trần Ðình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), muốn xuất khẩu vào thị trường nào, sản phẩm cần đáp ứng đúng, đủ những đòi hỏi của thị trường đó, đặc biệt là việc truy xuất được nguồn gốc. Do đó, trước mắt, người sản xuất cần đăng ký cấp mã số cũng như đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi khác của từng thị trường và nhất là việc liên kết trong sản xuất, nhằm giúp cho việc sản xuất dễ thực hiện đạt chuẩn, tiêu thụ được hiệu quả và bền vững hơn.

Liên kết để đạt chuẩn

Bên cạnh khó khăn về truy xuất nguồn gốc, việc xâm nhập phân khúc thị trường cao cấp của con tôm Việt cũng gặp khó do diện tích nuôi tôm của nước ta đạt chuẩn như ASC, BSP… theo yêu cầu thị trường còn rất thấp. Ðơn cử như thị trường EU, nhờ Hiệp định EVFTA, cùng trình độ chế biến đạt chuẩn cao của thế giới đã giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt rất lớn ở thị trường này, cả về giá cả lẫn số lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp có giá bán và lợi nhuận cao về lâu dài vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Ông Lực cho biết thêm: “Ở phân khúc thị trường cao cấp, chỉ có con tôm nuôi đạt tiêu chuẩn ASC mới thâm nhập một cách thuận lợi, mang lại giá trị cao. Tuy nhiên, số diện tích nuôi tôm ở ÐBSCL và cả nước đạt tiêu chuẩn này hiện còn rất thấp, do phần lớn hộ nuôi nhỏ lẻ, khó theo đuổi chuẩn nuôi ASC vì chi phí đánh giá cao, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận của người nuôi”.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, muốn bán được tôm vào thị trường nào, chúng ta phải chấp nhận tuân thủ theo tiêu chuẩn của thị trường đó, chứ không hề có một tiêu chuẩn chung cho tất cả các thị trường, kể cả Global GAP. Ông Quang dẫn chứng: “Hiện nay, cả 3 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam là: Mỹ, Nhật và EU đều không quan tâm đến chứng nhận VietGAP và Global GAP, mà chỉ có đạt chứng nhận ASC, BAP hoặc con tôm sạch không nhiễm kháng sinh, vi sinh hay các chất cấm khác và có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng thì họ mới chấp nhận mua. Vì vậy, người nuôi tôm hay tổ chức hợp tác nuôi tôm cần liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ sản xuất đạt tiêu chuẩn của thị trường”.

Những quy định sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường chắc chắn sẽ gây khó khăn nhất định cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian trước mắt, nhưng ít nhiều cũng giúp ngành tôm có những thay đổi lớn để phù hợp với thị trường xuất khẩu. Hay nói cách khác, từ nay trở đi, mỗi một nông hộ hay trang trại, doanh nghiệp nuôi tôm ngoài việc làm sao cho sản phẩm an toàn, còn phải đăng ký với cơ quan chuyên môn để được cấp mã số cơ sở nuôi và xa hơn là liên kết với nhau hình thành nên vùng sản xuất lớn đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường. Tại diễn đàn tôm tổ chức ở Bạc Liêu mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến một lần nữa nhắc nhở tầm quan trọng của sự hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ, nhất là liên kết theo chuỗi giá trị. “Chỉ có hợp tác tốt và thực chất, nông dân sản xuất nhỏ lẻ mới có thể tạo được mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất với các doanh nghiệp; mới có đủ điều kiện để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm giá thành, tăng hiệu quả, từng bước tiến tới bền vững trong sản xuất” – Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến nêu rõ.

Mỗi thử thách đều có độ khó riêng của nó, nhưng nếu chúng ta biết cách vượt qua, không chỉ chúng ta sẽ gặt hái được những thành công mới lớn hơn, mà còn giúp cho ngành tôm Việt Nam vươn lên tầm cao hơn trên thị trường thế giới. Ðó cũng là cách để chúng ta biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành tôm tăng tốc một cách bền vững nhất.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ

Baocantho.com.vn