Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao theo công nghệ mới

Bên cạnh các giải pháp căn cơ như quy hoạch vùng nuôi, sản xuất nguồn tôm giống chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định, thì việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm, hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải từ ao, hồ nuôi là yếu tố cần thiết cho các vụ nuôi thành công.

Theo các kỹ sư chăn nuôi, trong ao nuôi tôm chỉ có khoảng 23% lượng đạm có trong thức ăn được chuyển hóa thành sinh khối cho tôm; 40% hòa tan vào môi trường nước; còn lại 37% tích lũy vào nền đáy ao.

Qua đó cho thấy tầm quan trọng trong việc kích thích phát triển dòng vi sinh dị dưỡng trong ao nuôi, nhằm kiểm soát chất lượng nước, cố định chuyển hóa các loại protein thừa, chất thải thành các chuỗi protein trong vi sinh, tái chế thức ăn thừa, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn dư ấy.

ThS. Trương Hoàng Văn Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật & Dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Nam đã tiến hành cải tiến thiết kế, kỹ thuật đưa ra “Giải pháp mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong hệ thống ao lót bạt theo công nghệ Semi – Biofloc”, thích ứng thời tiết Bình Thuận, nâng cao hiệu quả nuôi tôm. Mô hình nuôi với quy trình 4 bước: thiết kế, bố trí cơ sở hạ tầng; chuẩn bị ao ương, ao nuôi; chọn giống thả; chăm sóc và quản lý.

Trong đó ao nuôi thường có diện tích 1.000- 2.000 m2, được lót kín bạt HDPE, có hệ thống sục khí đáy cũng như hệ thống nhà lưới che phủ từng ao vào mùa mưa, mùa khô. Nước biển bơm vào ao được xử lý bằng phương pháp hóa học diệt khuẩn các mầm bệnh. Đồng thời, người nuôi tiến hành gây màu trong ao, bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh Baru, bổ sung nguồn vi khuẩn có lợi ức chế các vi khuẩn có hại trong nước. Công thức gây màu theo quy trình công nghệ Semi – Biofloc.

Giải pháp trên được trung tâm triển khai thí điểm tại Trạm thực nghiệm sản xuất nước mặn xã Tiến Thành, kết quả khả quan. Giải pháp cũng được áp dụng ở thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc) nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao bạt chìm diện tích 1.500 m2, hệ thống 4 giàn quạt chạy 24/24h, mật độ nuôi 120 con/m2. Cả hai địa điểm nuôi đều sử dụng giống tôm Post 12, thức ăn công nghiệp của Công ty CP, thử nghiệm Baru 3 lít/1.000 m3 nên chỉ thay nước và vệ sinh ao nuôi 3 ngày/lần.

Qua mô hình cho thấy môi trường ao nuôi đảm bảo nhiệt độ, pH nước, Oxy hòa tan, độ trong, độ kiềm phù hợp trong quá trình sinh trưởng của tôm. Điều quan trọng từ kết quả mô hình là môi trường ao nuôi luôn ổn định, các chỉ số vật lý, hóa học luôn được kiểm soát. Tôm nuôi có tốc độ phát triển rất nhanh, màu sắc đẹp, sức đề kháng cao, không xảy ra các loại bệnh. Sau 100 ngày tôm nuôi theo quy trình này đạt kích cỡ thương phẩm tốt, tỷ lệ sống cao lên đến 90% khi thu hoạch. Hiện nay mô hình đang được phổ biến tại huyện Tuy Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình), Hàm Thuận Nam đem lại hiệu quả.

“Việc ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc thông qua sử dụng chế phẩm vi sinh Baru giúp kiểm soát sự gia tăng của tảo, các chất khí độc hại khác; đẩy nhanh quá trình phân hủy chất hữu cơ trong bùn, nước ao nuôi. Người nuôi duy trì sử dụng Baru trong suốt quá trình nuôi giúp ổn định nước, nên không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm, giúp nâng cao sức khỏe, phòng bệnh cho tôm.

Đây là nét mới của giải pháp”, ThS. Trương Hoàng Văn Khoa chia sẻ. Thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao khẳng định được hiệu quả về mặt kinh tế cũng như về vấn đề môi trường, dần mở ra hướng đi phù hợp, hướng tới phát triển nghề nuôi tôm bền vững cho nhiều địa phương trong tỉnh. Giải pháp trên của ThS. Trương Hoàng Văn Khoa đã đoạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ IX.

T.Khoa

Báo Bình Thuận