Nuôi tôm công nghệ cao thu tiền tỷ, nông dân Bạc Liêu được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”

Dù trải qua nhiều thất bại, ông Nguyễn Văn Hoạt (SN 1963, ngụ xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vẫn kiên trì theo đuổi nghề nuôi tôm. Chính nhờ sự kiên trì, tinh thần ham học hỏi, ông Hoạt thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng nhờ nuôi tôm công nghệ cao và được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.

Gom hết vốn liếng đổ xuống đầm nuôi tôm

Quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, năm 1985 sau khi xuất ngũ ông Hoạt đã chuyển vào TP.HCM sinh sống. Sau 7 năm bươn trải ở TP.HCM, đến năm 1999 ông Hoạt chuyển về Bạc Liêu với nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đến năm 2000, nhận thấy mô hình nuôi tôm đang phát triển, ông Hoạt cùng một vài người bạn đến xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình để thuê 4ha đất nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh.

“Lúc này tôi gom tất cả vốn liếng của mình với khoảng 10 cây vàng trị giá khoảng 60 triệu đồng thời điểm này, để nuôi tôm. Nhưng do không có kinh nghiệm và kém may mắn, chúng tôi đã thất bại”, ông Hoạt cho hay.

Ông Hoạt chia sẻ: “Thời điểm này tôi rất khó khăn, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, khi đi vay mượn thì không ai cho. Lúc này một người bạn cũ đã cho tôi mượn 3 cây vàng để làm lại từ đầu, nhưng tôi chỉ lấy 1 cây vàng để đầu tư. Từ số vốn này, tôi tiếp tục đầu tư nuôi tôm và vào năm 2002, tôi thu lãi 400 triệu đồng”.

Từ thành công bước đầu trong nghề nuôi tôm, năm 2005 ông Hoạt đã mua 2ha đất ở xã Hiệp Thành để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chủ yếu ông Hoạt tập trung vào mô hình nuôi tôm bán thâm canh và quảng canh. Đến năm 2018, ông đã quyết thay đổi khi tập trung hoàn toàn vào mô hình nuôi tôm công nghệ cao.


Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Hoạt tại xã Hiệp Thành. Ảnh: Chúc Ly.

“Thời điểm bắt đầu tôi làm mô hình thí điểm với diện tích 100m2 cho một doanh nghiệp để lấy kinh nghiệm. Tuy chưa có kết quả cao nhưng tôi đã học được nhiều kiến thức. Và chỉ ở vụ sau đó, với 100m2 này tôi thu lãi 30 triệu đồng với mô hình nuôi tôm công nghệ cao”, ông Hoạt nhớ lại.

Quyết tâm nuôi tôm công nghệ cao thành công
Theo ông Hoạt, ở những năm đầu nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, ông gặp khá nhiều khó khăn và lãi khá ít. Riêng ở vụ đầu tiên, ông chỉ lãi tỷ 1 tỷ đồng khi nuôi 4 ao trên diện tích 5.000m2. Tuy nhiên, với niềm đam mê với nghề nuôi tôm ông Hoạt không ngừng học hỏi từ nhiều người, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.


Ông Hoạt cho rằng, trong nuôi tôm cần có đam mê và không ngại thất bại. Ảnh: Chúc Ly.

“Giai đoạn nuôi tôm truyền thống thất bại khiến tôi tích cực nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân vì sao nuôi tôm không hiệu quả. Vì vậy, để triển khai mô hình này, tôi đi học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi và tham khảo kỹ thuật chăm sóc tôm từ các chuyên gia. Tôi còn tranh thủ tham gia các lớp tập huấn, lớp dạy nghề về nuôi tôm công nghệ cao, nhằm tích luỹ kinh nghiệm để áp dụng vào ao nuôi của mình”, ông Hoạt chia sẻ.

Bằng quyết tâm của mình, ông Hoạt đã đầu từ khoảng 4 tỷ đồng để thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao với cách nuôi tôm 3 giai đoạn.


Ông Hoạt kiểm tra những con tôm trong ao nuôi. Ảnh: Chúc Ly.

Ban đầu chỉ đầu tư 4 ao thử nghiệm qua đó cho năng suất rất cao, các năm tiếp theo ông Hoạt mở rộng diện tích lên khoảng 10ha với 12 ao nuôi và các công trình phụ trợ. Trong 3 năm qua, tổng sản lượng thu được 165 tấn, thu trên 14,8 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận còn lại trên 7 tỷ đồng. Riêng năm 2021, gia đình ông Hoạt thu lãi khoảng 2,6 tỷ đồng từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm, ông Hoạt cho biết: “Khi mua con giống về tôi nuôi ươn từ 15-17 ngày, sau đó thả ra ao nuôi với mật độ 500 con/m2. Sau khoảng 1 tháng nuôi tôi tách làm 2 ao. Sau khoảng 70 ngày nuôi, tôm đạt cỡ 100 đến 80 con/kg thì tôi bắt đầu thu tỉa; số còn lại tôi tiếp tục nuôi để tôm đạt cỡ 40 đến 30 con/kg thì sẽ thu hoạch hết”.

Theo ông Hoạt, với cách nuôi này giúp ông bảo toàn được nguồn vốn đầu tư, hạn chế rủi ro và quan trọng nhất là con tôm phát triển nhanh.


Theo ông Hoạt, trong mô hình nuôi tôm công nghệ cao, con giống và nguồn nước là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công. Ảnh: Chúc Ly.

“Trong nuôi tôm công nghệ cao thì nguồn nước và con giống là quan trọng nhất. Con giống quyết định 70% thành công nên khâu chọn giống phải rất kỹ từ các nhà cung cấp có uy tín. Còn con giống khi mua về thì nhất định phải thả ươm sau đó mới cho xuống ao nuôi. Quá trình nuôi, nông dân phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, theo sát sự phát triển của tôm để có biện phải xử lý kịp thời”, ông Hoạt nhận định.

Ngoài ra, ông Hoạt còn tận dụng đất trống kết hợp nuôi chim yến, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt gia đình và cung cấp điện cho nuôi tôm. Khi chỉ số điện còn thừa ông Hoạt còn bán lại cho công ty điện lực để có thêm thu nhập.

Chúc Ly

Danviet.vn

Ông Lê Tuấn Em, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Ông Hoạt là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 3 năm liền (từ năm 2019 đến năm 2021). Trong ba năm qua gia đình ông còn tạo điều kiện giúp đỡ cho trên 150 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và những hộ khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định trong xã. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia đóng góp cho địa phương để xây dựng, sửa chữa đường, làm cầu, quỹ người nghèo, quỹ an sinh xã hội, với số tiền hơn 100 triệu đồng mỗi năm”.