Nông dân Phú Thọ tránh rét cho tôm càng xanh bằng cách lạ

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên những cánh đồng lúa một vụ tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế cho người nông dân.

Gian nan với con tôm càng xanh

Huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ được biết đến là vùng đất “đồng chiêm trũng”, với diện tích đất trồng lúa 1 vụ rộng lớn. Những năm trước, khi các cánh đồng đến mùa ngập nước, nhiều nơi canh tác kém năng suất, việc nuôi trồng một số loại thuỷ sản còn manh mún cũng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, dẫn đến không ít đồng ruộng bỏ hoang gây lãng phí.

Tuy nhiên, tại xã Văn Khúc, nhiều diện tích đất trồng lúa 1 vụ đã được người dân tận dụng để phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh. Trải qua nhiều khó khăn, người nông dân đã làm chủ kỹ thuật nuôi trồng. Đến nay, mô hình đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng cho người dân.

Tới khu Ô Đà, xã Văn Khúc vào những ngày cuối năm, PV bắt gặp nhiều người dân đang tập trung kéo lưới thu những mẻ tôm cuối cùng còn lại trong ao, kết thúc một vụ tôm thành công để chuẩn bị bước vào cấy lúa vụ chiêm xuân.


Những chiếc lưới cỡ lớn được sử dụng để thu hoạch tôm. Ảnh: Tô Công

Ông Hoàng Văn Tuân – người dân nuôi tôm tại khu Ô Đà – chia sẻ, từ 10 vạn con tôm giống trong ao ươm, gia đình đã thả khoảng 5 vạn con sang ao tôm thịt. Nay thu hoạch với sản lượng gần 1 tấn, ông Tuân tính nhẩm nếu giá thành ổn định ở mức 220 nghìn đồng/1kg, gia đình sẽ thu về khoảng 180 triệu đồng, trừ mọi chi phí thì còn khoảng 100 triệu đồng.\

“Ngoài tôm càng xanh, thì còn có các tôm nhỏ còn lại trong ao (khoảng 2 đến 3 tạ) cũng được thương lái thu mua để làm mắm (mắm tôm đồng) với giá 100 nghìn đồng/1kg” – ông Tuân hồ hởi nói.

Tới nhà ông Nguyễn Văn Được – người đầu tiên nuôi tôm càng xanh tại xã Văn Khúc, PV đã được nghe kể về những ngày đầu khốn khó của việc nuôi tôm càng xanh.

Ông Được cho biết, năm 2003, ông đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích nuôi cá sang nuôi tôm càng xanh. Nhưng chỉ thả được gần 20 ngày, tôm đã bị chết đồng loạt, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng.

“Đến năm 2005, gia đình tôi được Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ hỗ trợ về giống, kỹ thuật… để nuôi tôm càng xanh. Kể từ đó đến nay, vụ nuôi tôm càng xanh nào gia đình tôi cũng có lãi” – ông Được nói.

Theo ông Được, để có một vụ tôm thắng lợi phụ thuộc rất nhiều yếu tố như môi trường, thời tiết, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, con giống… Cùng với đó, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong quá trình nuôi tôm.

“Riêng với mùa đông lạnh, tôm rất dễ chết, mà mùa đông ở miền Bắc kéo dài tới 5 tháng. Vì vậy, người dân phải dùng ao sâu từ 2 đến 3m nước. Những hôm lạnh quá phải cho tôm “nhịn đói”, vì nếu cố cho ăn, tôm ngoi mặt nước lạnh sẽ bị chết” – ông Được chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu tôm càng xanh Văn Khúc

Ông Được chia sẻ thêm, để giảm chi phí đầu vào, ông đã tận dụng những thứ sẵn có của gia đình như cám gạo, cá mè xay nhỏ để bổ sung dinh dưỡng cho tôm càng xanh, cũng giúp tôm mau lớn và có sức đề kháng tốt.

“Trên diện tích 1,6 hecta nuôi tôm càng xanh, mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch 4 đến 5 tấn tôm thương phẩm. Có những năm, từ việc nuôi tôm càng xanh, gia đình tôi bỏ túi cả tỉ đồng” – ông Được phấn khởi kể.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Văn Tuyên – Chủ tịch UBND xã Văn Khúc – cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 156 hecta diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có khoảng 50 hecta nuôi tôm càng xanh, 3 ha nuôi ốc loa, còn lại là nuôi cá.

Theo ông Tuyên, riêng sản lượng tôm hàng năm ước đạt khoảng 60 tấn, được thương lái đến tận nơi thu mua với giá giao động từ 220 đến 230 nghìn đồng/1kg. Mô hình nuôi tôm càng xanh đã cho thấy hiệu quả về kinh tế, mang lại việc làm và thu nhập cao cho người nông dân trên địa bàn.

Ông Tuyên cho biết thêm, mô mình nuôi tôm càng xanh được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Phú Thọ hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, đầu tư thiết bị máy quạt nước tạo ôxy. Cùng với đó, huyện Cẩm Khê hỗ trợ về con giống, thức ăn…

“Hiện nay, tại xã chỉ có Chi hội Thủy sản do người dân tự nguyện tham gia. Trong năm 2023, địa phương sẽ phấn đấu thành lập được Hợp tác xã và đưa sản phẩm tôm càng xanh vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Phú Thọ” – ông Tuyên bộc bạch.

TÔ CÔNG

Nguồn tin: Lao Động