Nông dân ở Sài Gòn đào ao quanh nhà nuôi tôm thu tiền tỷ

Hai lần thất bại khi nuôi gà công nghiệp, ông Phạm Thanh Minh chuyển sang nuôi tôm với các ao quanh nhà, nhờ kiến thức và kinh nghiệm ông thu tiền tỷ mỗi năm mở đường cho nghề nuôi tôm ở xã Đa Phước huyện Bình Chánh.

Nối nghiệp gia đình nuôi gà, mất trắng vì cúm gia cầm

Tốt nghiệp trường Trung cấp Nghiệp vụ Thủy sản TP.HCM vào năm 1990, thanh niên Phạm Thanh Minh trải qua 4 năm làm việc cho Công ty Chế biến Xuất khẩu Đông lạnh 1. Tuy chưa đúng hoàn toàn chuyên ngành và kiến thức đã học, nhưng ít nhiều cũng liên quan đến những kiến thức ông đã học trên ghế nhà trường.

Đến năm 1994, ông bất ngờ nghỉ việc về nhà nối nghiệp của gia đình vốn có truyền thống nuôi gà công nghiệp. Những năm đầu, với kinh nghiệm của gia đình và sự tìm tòi học hỏi, trại gà của gia đình ông duy trì ổn định với sản lượng khá tốt. Nhưng năm 2003, khó khăn liên tiếp ập đến khi dịch cúm gia cầm bùng lên khiến trại gà của ông mất trắng.

“Lúc đó, tôi suy sụp khi chỉ mấy ngày đã trắng tay do dịch cúm gia cầm. Lúc đó tôi gần như bất lực vì một phần gà bệnh, một phần phải thiêu huỷ để đảm bảo an toàn”, ông Minh nhớ lại.

Ông Phạm Thanh Minh ngụ ấp 2 xã Đã Phước thay đổi cuộc đời nhờ đào ao quanh nhà nuôi tôm.

Gần như phá sản, nhưng ông cố gắng vượt qua. Đến năm 2004, ông gây dựng lại đàn gà, số lượng lên đến 4.500 con. Nhưng chỉ 1 năm sau, dịch cúm gia cầm lại bùng phát rồi quét sạch đàn gà của ông thêm một lần nữa. Chàng thanh niên khi đó mới 25 tuổi tưởng chừng như gục ngã trước những thử thách quá lớn.

Sau những thất bại liên tiếp, ông Minh biết mình không thể tiếp tục nghề nuôi gà khi nguy cơ dịch cúm gia cầm vẫn luôn tiềm ẩn. Ông đành bỏ nghề truyền thống của gia đình và chọn hướng đi mới.

Trong tay còn 10 triệu, đào ao quanh nhà nuôi tôm thu tiền tỷ làm giàu

Dựa vào kiến thức đã học tại Trường Trung cấp Nghiệp vụ Thủy sản TP.HCM và kinh nghiệm từ khi làm việc ở Công ty Chế biến Xuất khẩu Đông lạnh 1, năm 2006, ông bắt đầu đào ao để chuyển sang nuôi tôm sú.

Lúc đó, trong tay chỉ còn ngót nghét 10 triệu đồng nhưng nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã đang khuyến khích chuyển đổi mô hình theo chủ trương thành phố, ông Minh thêm điểm tựa và niềm tin để vượt qua khó khăn ban đầu.


Tổng diện tích 1600 m2 mặt nước, nhưng ông Phạm Thanh Minh thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi tôm đúng kỹ thuật.

Sau khi dỡ bỏ chuồng gà, ông đào ao quanh nhà nuôi tôm với tổng diện tích 1.600 m2 mặt nước. Đây là diện tích tương đối nhỏ so với nhiều trại nuôi tôm sú khác và mô hình còn khá thô sơ, thiếu nhiều thiết bị hiện đại. Nhưng thay vào đó, ông Minh áp dụng được những kinh nghiệm quý giá mà ông đã tích lũy từ quãng thời gian làm việc với người Nhật, tiếp xúc với công nghệ Nhật Bản khi còn làm ở Công ty Đông lạnh 1.

Sau hơn 2 năm, ông Minh thu hoạch liên tục 6 vụ tôm sú mà không xảy ra trường hợp tôm bị bệnh chết, điều mà nhiều trại tôm sú thường gặp phải.

Ông Minh cho biết: “Kỹ thuật cải tạo ao, chuẩn bị trước mỗi mùa vụ hầu hết ai cũng nắm rõ nhưng quan trọng là phải tuân thủ chặt chẽ. Từ vụ tôm đầu cho đến nay, vụ nào tôi cũng đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước, nhất là bước vệ sinh ao trước khi thả giống”.

Ngoài ra, ông Minh cũng quan tâm đến việc xây dựng hệ thống chứa và xử lý nước, chất thải. Bên cạnh đó, việc liên tục cải tiến quy trình kỹ thuật góp phần tăng năng suất, chất lượng của tôm, đồng thời hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí nuôi.

Ông Phạm Thanh Minh với mô hình nuôi tôm trong ao quanh nhà.

Cùng với đó, ông phối hợp với Chi cục Thuỷ sản, Chi cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông kiểm tra lấy mẫu định kỳ để xét nghiệm dư lượng kháng sinh trong tôm, bảo đảm chất lượng tôm cũng như phát hiện bệnh để kịp thời xử lý. Nhờ đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, ông luôn thu được năng suất cao và chất lượng tôm khá tốt được thương lái ưa chuộng.

“Sản phẩm đảm bảo đầu ra an toàn vệ sinh thực phẩm do không sử dụng kháng sinh, hóa chất và môi trường nuôi an toàn, ổn định. Việc khống chế và trị bệnh hoàn toàn bằng vi sinh, chế phẩm sinh học giảm được rủi ro, tăng năng suất và chất lượng tôm, từ đó giúp người nuôi tôm có lợi nhuận cao hơn”, ông Minh chia sẻ.

Mỗi vụ tôm mới, ông Minh mua về 50.000 con giống, giá thành 40 đồng/con cộng thêm chi phí vận chuyển, làm mẫu xét nghiệm và thực hiện bước thuần dưỡng để tôm làm quen với độ mặn. Ông thả tôm xen vụ giữa tôm sú và tôm thẻ, mỗi vụ thu hoạch 2,2 – 2,7 tấn. Tôm thẻ một năm thả 3 vụ, còn tôm sú được 2 vụ. Trung bình giá tôm sú khoảng 160.000 đồng/kg, ông Minh thu về hơn 350 triệu đồng/vụ. Còn tôm thẻ trung bình 100.000 đồng/ký, ông cũng thu được hơn 220 triệu đồng/vụ.

Lê Giang

Nguồn: Danviet.vn

Chuyển đổi từ chăn nuôi gà sang nuôi tôm sú thành công là kết quả đáng ghi nhận của cá nhân cùng gia đình ông Phạm Thanh Minh. Thành quả này còn đóng góp vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố. Làm giàu nhờ ao tôm đạt được năng suất ổn định và chuyển thành công sang mô hình có tính chuyên môn hóa, ông Phạm Thanh Minh đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc” từ năm 2017 đến 2021 và đạt chuẩn toàn quốc năm 2022.