Người “ngoại đạo” và Tomgoxy

TS Nguyễn Thanh Mỹ, RYNAN Technologies, người kiên trì sáng chế các thiết bị hỗ trợ ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp đã nhìn thấy những lỗ hổng trong mô hình nuôi tôm thâm canh, nói rằng  “Tomgoxy” (Mô thức tích hợp trí tuệ nhân tạo kết hợp lý – hóa – sinh vào việc nuôi tôm công nghệ cao) có thể giải quyết những thách thức và tăng giá trị cho ngành tôm.

18 tháng vừa học vừa làm

Việt Nam có khoảng 740.000ha nuôi tôm, trong đó có 630.000ha nuôi tôm sú và 110.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng. ÐBSCL được khuyến khích cách nuôi tôm “Nuôi tôm công nghiệp”, “quảng canh” hoặc “quảng canh cải tiến”. Gần đây, người nuôi “công nghệ cao” đầu tư “thâm canh ao nổi lót bạt HDPE”, “siêu thâm canh ao nổi lót bạt HDPE có mái che”, nhưng cách thâm canh công nghệ cao vẫn đối diện thách thức: chất lượng tôm giống kém, việc quản lý nước và mầm gây bệnh chưa tốt dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh, chi phí và lợi ích tréo ngoe.

Từng xây dựng quy trình nuôi tôm từ mối quan tâm cách ứng xử giữa nhà đầu tư và lao động, từ ao nuôi, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị tới người tiêu dùng cuối cùng, “Tôm đạo đức” là câu chuyện được biết đến như giá trị của một mô hình. Lần này TS Nguyễn Thanh Mỹ dành 18 tháng để nghiên cứu từ tập tính con tôm cho tới công thức “nuôi tôm – nuôi nước” theo tỷ lệ 20-80 lên 50-50, từ mô hình oxy hóa và oxy tinh khiết tới việc tuần hoàn nước, từ việc sử dụng thảo dược để dưỡng tôm dù mật độ nuôi 500 con/m2 tới cả hệ sinh thái số – lý – hóa – sinh.

Là người “ngoại đạo” bước từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào thế giới sinh học, vi sinh, lợi khuẩn… gắn với sức sống con tôm thẻ, TS Nguyễn Thanh Mỹ, nói “Mình không có gì phải nôn nóng tìm kiếm lợi nhuận từ con tôm. Cái chính là làm sao cả một đội quân theo dõi tập tính con tôm cả ngày lẫn đêm; bất kể nắng – gió và giám sát tảo, tạo sóng, giám sát nguồn nước thải ra, bổ sung… và cuối cùng là hệ sinh thái tuần hoàn tinh khiết để tôm khỏe, lớn nhanh; là thuật toán gắn với những sản phẩm công nghệ 4.0 “tự phát minh, sáng chế”.

Câu trả lời sau 18 tháng của thầy trò TS Nguyễn Thanh Mỹ, RYNAN Technologies, tóm gọn bằng so sánh như sau:

Nuôi tôm mà bán tôm là… đâu có gì để nói

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo năm 2022 đạt khoảng 4,3 tỉ USD. Năm 2021, sản lượng tôm nuôi các loại khoảng 970.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỉ USD. Tôm chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó phần đóng góp tôm từ ÐBSCL chiếm trên 70%.

TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty Sao Ta (FIMEX) và TS Nguyễn Thanh Mỹ cùng trò chuyện từ trong xưởng chế tạo ra tới ao nuôi suốt một buổi chiều.

Có ao đang vận hành theo công nghệ Tomgoxy, có ao đang xây dựng, trao đổi giữa một bên dày dặn kinh nghiệm “thực chiến” muốn thay đổi và một bên là đưa công nghệ 4.0 vào để tạo
bước nhảy.

“Nuôi tôm mà bán tôm là… đâu có gì để nói”, TS Nguyễn Thanh Mỹ giải thích: RYNAN Technologies đã thiết kế hoàn chỉnh mô thức mới “TOMGOXY” và là nhà cung cấp giải pháp đồng bộ (số – lý – hóa – sinh), trong đó giảm chi phí một cách ngoạn mục. Giảm tiêu hao năng lượng từ 5000 kwh/1 tấn tôm còn 2000 kwh/1 tấn tôm, nhờ cách lọc nắng không cần làm mái che, các thiết bị cảm biến siêu âm, cách xử lý nước tự động và cả cách đuổi chim không ồn ào… Mọi thứ đang diễn ra một cách bình thường ở những ao nuôi sắp thu hoạch ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Ðiều không bình thường ở đây là chung quanh là những ao nuôi vẫn còn ngủ quên với những gì có sẵn, vẫn cách tạo oxy quen thuộc, vẫn kiểu mất tiền mà cứ khoe máy sục khí của mình mạnh hơn của hàng xóm… TS Mỹ nói: Bằng cách làm giàu (G) Oxy – oxy hóa với oxy tinh khiết,  TOMGOXY chứng minh “Oxy là kháng sinh” và khi cung cấp giải pháp đồng bộ thì chi phí giảm rõ rệt và dĩ nhiên mật độ 500 con giống/m2 không cần tới kháng sinh, chất lượng tôm “đạo đức” đúng nghĩa, chỉ có ngon chứ không có gì khác.

Tuy nhiên, chung quanh vùng dự án của TS Mỹ là những ao nuôi trùng điệp của người dân, làm sao đánh thức những ao nuôi đang ngủ, TS Hồ Quốc Lực là người coi trọng việc cập nhật công nghệ mới vào ngành tôm trên quy mô 350ha của FIMEX, nói: “Sớm muộn gì tôi cũng theo anh ứng dụng công nghệ này, nhưng làm sao người nuôi có nhiều chọn lựa khi chuyển đổi”.

Trên vùng nuôi thuộc dự án của RYNAN Technologies đã và sẽ có những mô hình với quy mô khác nhau, cùng tích hợp công nghệ 4.0 để một ao nổi với mức đầu tư 1,2 tỉ đồng, sau 1 năm sẽ huề vốn, năm thứ 2 có lời, TS Nguyễn Thanh Mỹ nói.

Làn sóng ngầm trong thế giới tôm

Theo VASEP, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, chiếm 21,5% tổng xuất khẩu tôm của cả nước.

Những ao Tomgoxy đang vận hành ở Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Tôm Việt Nam được nhập khẩu vào 17 bang của Hoa Kỳ trong đó ghi nhận khối lượng nhập khẩu nhiều nhất ở bang New York (31.647 tấn, chiếm 36% tổng khối lượng tôm từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này); bang California nhập nhiều thứ hai với 23.995 tấn, chiếm 27% tổng khối lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong năm 2021, với khối lượng tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ trên 896.100 tấn, trị giá trên 8 tỉ USD, Ấn Ðộ vẫn là nước đứng đầu nguồn cung vào thị trường này, với 340.351 tấn, trị giá 3 tỉ USD. Ecuador đứng thứ hai với 183.886 tấn, trị giá 1,36 tỉ USD, Indonesia đứng thứ ba, với khối lượng 174.583 tấn, trị giá 1,6 tỉ USD, Việt Nam xếp thứ 4, với 88.161 tấn, trị giá 969,2 triệu USD, tăng 33% về khối lượng và 39% về giá trị so với năm 2020.

Tôm thẻ, tôm sú (nuôi) lột vỏ đông lạnh (tôm thịt) được nhập khẩu vào Hoa Kỳ nhiều nhất trong năm qua, chiếm trên 1/4 khối lượng và giá trị nhập khẩu với 223.000 tấn với giá trị trên 2 tỉ USD. Giá trung bình nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Ðộ đạt 8,8 USD/kg, Ecuador 8,6 USD/kg, Indonesia 9,9 USD/kg và Việt Nam 12 USD/kg. Tôm thịt đông lạnh loại khác (tôm nước lạnh, tôm biển…) chiếm 19% khối lượng và 17% giá trị với 168.000 tấn, trị giá gần 1,4 tỉ USD. Giá nhập khẩu trung bình từ Ấn Ðộ đạt 8,1 USD/kg, Việt Nam 10,6 USD/kg.

Tôm chế biến khác và tôm bao bột đông lạnh chiếm lần lượt 13% và 16% khối lượng và giá trị nhập khẩu vào Hoa Kỳ, với 120.000 tấn, trị giá 1,3 tỉ USD. Giá trung bình của Ấn Ðộ đạt 10 USD/kg, Việt Nam 11,1 USD/kg.

Tuy xếp hạng thứ ba, nhưng Indonesia chưa hài lòng. Họ đang khuyến khích nông dân thế hệ Millennial sử dụng công nghệ mới. Các nhóm khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản Digifish Network có hơn 700 startup tham gia lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Indonesia, định hướng khai thác thị trường được Bộ Biển và Nghề cá (KKP) là  17,47 tỉ USD vào năm 2024. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Bờ biển và Ðại dương thuộc Viện nghiên cứu Nông nghiệp Bogor (PKSPL IPB) Yonvitner tin rằng các startup nuôi trồng thủy sản đã giúp đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ ở những người nuôi.

Ở Yogyakarta, Indonesia, doanh nghiệp Banoo Inovasi đang phát triển hệ thống nuôi trồng thủy sản mang tên “MycroFish”. Họ vẫn còn sử dụng máy sục khí và sử dụng các cảm biến để duy trì oxy, kiểm soát axit và nhiệt độ tối ưu cho ao nuôi để tăng năng suất 42%. Mục tiêu của họ là khoảng 62.208 hộ nuôi trên địa bàn sẽ ứng dụng hệ thống này.

Ðiểm khác nhau ở đây là nỗ lực tự thân của TS Nguyễn Thanh Mỹ và nguồn lực trẻ của RYNAN Technologies, còn Indonesia là tổng lực của cả hệ thống quốc gia chinh phục ngành tôm toàn cầu chứ không chỉ là thị trường Hoa Kỳ.

Baocantho.com.vn