Người duy nhất còn sản xuất giống tôm – cua ở Nga Sơn

Nuôi tôm và cua theo hình thức thương phẩm đã khó, nhưng nuôi để sinh sản bán giống thì khó hơn nhiều. Ở các xã vùng triều huyện Nga Sơn khoảng 5 – 10 năm về trước nhiều chủ đầm đã từng thử, nhưng đều thất bại. Đến nay, riêng anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 8 xã Nga Tân vẫn thành công nhờ đúc rút được kinh nghiệm và các yếu tố kỹ thuật, trở thành “nghề” để làm giàu.

Hệ thống nhà lưới nuôi và cho tôm sinh sản theo hướng công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Hùng.

Từ phận mồ côi thành “triệu phú”

Cách đoạn đê tả cuối sông Lèn chừng 300m, nhìn từ xa, khu trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Hùng đã hiện lên sự trù phú. Hàng trăm thân dừa Xiêm trĩu quả, tỏa bóng dọc bờ bao của hệ thống đầm nuôi thủy sản khiến cảnh quan càng thêm thơ mộng. Ở những khoảng đất khác là những khu trồng cây ăn quả xanh tốt và các ao nuôi tôm công nghiệp trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao. Toàn bộ khu sản xuất với diện tích lên tới hơn 4ha, nhưng được quy hoạch, sắp xếp khá bài bản và khoa học.

Dẫn những vị khách thăm mô hình sản xuất, người chủ quanh năm chân lấm tay bùn giới thiệu những khu trồng bưởi với tổng cộng 600 cây đã cho quả nhiều năm. Xen lẫn các khu sản xuất và ao đầm là 2.000 cây ổi quanh năm cho thu hoạch. Đáng nói, vườn cây được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt khoa học, bón các loại phân hữu cơ tự sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín trong trang trại. 400 cây dừa cho hàng chục nghìn quả, chạy dài tít tắp, cũng đem về nguồn thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt trong trang trại đều cho hiệu quả kinh tế, song thu nhập chính để tạo đột phá phải là mảng nuôi trồng thủy sản. Theo hạch toán của vợ chồng anh Hùng, trung bình mỗi năm trang trại tổng hợp này cho doanh thu hơn 10 tỷ đồng, đem về lợi nhuận trên dưới 2 tỷ đồng.

Đó là kết quả của hơn một thập kỷ gia đình anh nỗ lực, vượt bao gian khó, có lúc tưởng chừng như phải từ bỏ. Anh còn nhớ như in gia cảnh mình những năm 90 khi người cha bạo bệnh mất sớm. Mẹ anh tần tảo nuôi đàn con thơ, anh phải bỏ dở con đường học hành khi mới hết cấp 2 để làm thuê đỡ đần mẹ. Chính từ tận cùng của sự nghèo khó đã hun đúc cho anh ý chí vươn lên. Những năm 2010, 2011, huyện Nga Sơn có đề án và kêu gọi Nhân dân đấu thầu khu vực đầm hoang bãi lầy này để cải tạo, xây dựng trang trại.

“Nghĩ mình là con nông dân, lại không được học hành nhiều, xác định muốn khấm khá phải có đất sản xuất lớn nên tôi đã vay mượn đấu thầu và đầu tư. Mẹ con hai bàn tay trắng, lại không có kinh nghiệm nên phải gây dựng từ những hoạt động chăn nuôi nhỏ nhất, dần đào được ao thả cá… Mới đầu tư chưa có thu nhập nhiều nên những năm từ 2011 đến 2014, hàng tháng không xoay đủ tiền đóng lãi cho ngân hàng. Vay chỗ nọ đắp chỗ kia, ròng rã nhiều năm nợ chồng nợ khiến nhiều thời điểm tưởng chừng không thể vực dậy nổi. Song, bằng sự quyết tâm, cần cù đào đắp gây dựng, lợi nhuận hàng năm được trả nợ rồi cứ tiếp tục đầu tư hạ tầng ngày càng lớn dần. Đến nay, tổng đầu tư để hoàn thiện hạ tầng trang trại khoảng 10 tỷ đồng”, anh Hùng tâm sự.

Chiếm lĩnh kỹ thuật sản xuất con giống

Tranh thủ những đợt nắng của những tháng đầu năm, anh Hùng đang cho công nhân rửa và thay nước trong những bể xi măng. Đây là nơi cho tôm mẹ sinh sản và ương con giống đem lại nguồn thu nhập không nhỏ. Trong những ô nuôi được che đậy lưới đen và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, hàng triệu ấu trùng tôm như đầu tăm đến đầu đũa như phủ kín cả bể nước.

Tại 5 ao nuôi truyền thống với tổng diện tích 10.000m2 được anh nuôi tôm, cua mẹ phục vụ sinh sản. Để tăng hiệu quả và năng lực sản xuất giống thủy sản, anh còn thường xuyên mua ấu trùng từ các tỉnh phía Nam về di ương. Theo anh, trứng và ấu trùng tôm, cua được nhập về từ các trại giống phía Nam bằng đường hàng không về Vinh hoặc Nội Bài. Sau đó được “ấp”, ủ để nở và nuôi lớn tại trại của mình một cách chủ động. Nuôi tôm, cua sinh sản và di ương con giống là hoạt động yêu cầu kỹ thuật cao, nhiều năm qua anh đã thuê 5 lao động kỹ thuật làm việc thường xuyên, trong đó có 1 kỹ sư chuyên ngành thủy sản.

“Những năm gần đây, cơ sở của tôi đều xuất bán ra thị trường khoảng 200 triệu con giống tôm. Với cua giống, tôi cũng sản xuất và bán ra 4 đến 5 triệu con cua đồng hồ (tên gọi cua kích thước cỡ bằng mặt đồng hồ đeo tay) và khoảng 100 triệu con giống dạng phôi”, ông chủ sinh năm 1981 này chia sẻ.

Hiện nay giống tôm thẻ chân trắng và cua của trang trại anh Hùng không chỉ được các chủ đầm nuôi ở huyện Nga Sơn tin mua mà còn được xuất bán thường xuyên đi tỉnh Ninh Bình và nhiều tỉnh phía Bắc. Ngoài sản xuất trực tiếp tại các ao nhà, anh còn liên kết với 10 chủ đầm trong huyện Nga Sơn và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình để di ương các loại con giống thủy sản.

Việc sản xuất được con giống ngay tại Nga Sơn mang lại thuận lợi cho các chủ đồng nuôi trong vùng. Bởi lẽ, nếu mua con giống từ các tỉnh miền Nam về, phải đi quãng đường dài khiến giống yếu, tỷ lệ chết cao. Mặt khác, do chênh lệch nhiệt độ, khác nhau về khí hậu nên mất một thời gian dài thích nghi, tôm, cua sẽ chậm lớn. Chưa tính, công vận chuyển các con giống thủy sản này càng xa càng cao. Những nhược điểm ấy đã được giải quyết khi mua con giống tại cơ sở của anh.

Trong quá trình sản xuất, anh Nguyễn Văn Hùng còn du nhập các tiến bộ khoa học để nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhiều năm gần đây, anh luôn duy trì 1ha nhà lưới để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Chủ tịch Hội làm vườn và Trang trại xã Nga Tân Nguyễn Trung Thực cho biết: “Anh Hùng khởi nghiệp với mô hình kinh tế tổng hợp và nuôi trồng thủy sản bằng hai bàn tay trắng, không như nhiều chủ mô hình khi triển khai đã có chút ít vốn liếng. Từ việc nuôi vài ba con lợn nái, vài chục con gà rồi gom góp tích lũy để từng bước xây dựng cơ ngơi. Lớn lên gắn với cây cói, chưa hề có kinh nghiệm, nhưng anh tự tìm tòi học hỏi, chiếm lĩnh được các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản hiện đại. Mô hình sản xuất của anh như một trung tâm giống thủy sản quy mô nhỏ, là điều chúng tôi rất khâm phục”.

Lê Đồng

Báo Thanh Hóa

Tin mới nhất

T7,05/10/2024