Ngũ bội tử: Kháng sinh thảo dược điều trị bệnh trên tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Bổ sung chiết xuất ngũ bội tử (Galla chinensis) vào khẩu phần ăn ở mức 1 g/kg không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn tăng cường khả năng chống lại mầm bệnh ở tôm thẻ chân trắng, giảm tỷ lệ chết khi nhiễm Vibrio parahaemolyticus.

Ngũ bội tử (Galla chinensis). Ảnh: ST

Cải thiện hệ thống miễn dịch trên tôm thẻ chân trắng là chiến lược hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật ở tôm nuôi hiện nay. Việc sử dụng thảo dược đã thu hút nhiều sự chú ý của người nuôi tôm trên toàn cầu. Các loại thảo dược có thể được sử dụng dưới dạng toàn bộ cây hoặc các bộ phận của cây (lá, rễ và hạt), chiết xuất hoặc bột thô làm phụ gia thức ăn. Các thành phần của các sản phẩm dược liệu, bao gồm polysaccharides, tannin, alkaloid và flavonoid, đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và bảo vệ tôm. So với các hợp chất tổng hợp, thảo dược rẻ hơn, thân thiện với môi trường hơn, dễ phân hủy sinh học hơn và ít gây ra tình trạng kháng mầm bệnh.

Ngũ bội tử (Galla chinensis – GC) là một loại thảo dược truyền thống của Trung Quốc, với đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, chống oxy hóa, chống viêm và bảo vệ thần kinh, GC đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong y học cổ truyền Đông Á. Mặc dù có nhiều đặc tính sinh học nhưng tác động của GC đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là sức khỏe miễn dịch của tôm thẻ chân trắng vẫn chưa được khám phá. Nghiên cứu này sẽ phân tích những tác động tiềm ẩn của việc bổ sung GC về khả năng miễn dịch không đặc hiệu, hiệu suất tăng trưởng và khả năng kháng vi khuẩn ở tôm thẻ chân trắng.

Phương pháp nghiên cứu

Tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) được lấy từ Trung tâm Động vật Thủy sản (Đại học Quốc gia Hải dương Đài Loan, Đài Loan). Tôm đã thích nghi với điều kiện nuôi trong nhà trong một tuần. Sục khí được cung cấp để duy trì mức oxy tối ưu. Tôm được cho ăn 2 lần/ngày bằng chế độ ăn thương mại (Grobest, Đài Loan). Sau đó, tôm được chuyển sang hệ thống nước tuần hoàn có bể thủy sinh (100L) để tiến hành thí nghiệm.

Ngũ bội tử (Galla chinensis – GC) (xuất xứ: Bắc Kinh, Trung Quốc) được mua từ một cửa hàng thảo dược ở Đài Bắc, Đài Loan. Sau đó, GC được làm khô ở 60°C trong 3 ngày và nghiền thành bột. GC dạng bột thô được sàng qua lưới sàng 40μm để thu được bột mịn. Bột GC sau đó cho vào túi có khóa kéo và bảo quản ở -20°C cho đến khi sử dụng trong nghiên cứu.

5 chế độ ăn thử nghiệm chứa 0,5; 1; 2,5 và 5 g/kg GC được đưa vào (lần lượt là GC0.5, GC1, GC2.5 và GC5) và chế độ ăn không bổ sung GC được đưa vào đối chứng.

Tổng cộng 180 con tôm khỏe mạnh (15,00 ± 0,87 g) được phân thành 6 nhóm (tương ứng không cảm nhiễm, đối chứng, GC0.5, GC1, GC2.5 và GC5), với ba nhóm lặp lại ba lần. Nhóm không bị cảm nhiễm và nhóm đối chứng được cho ăn chế độ ăn không bổ sung GC (chế độ ăn đối chứng), trong khi các nhóm khác nhận được chế độ ăn cụ thể (lần lượt là GC0.5, GC1, GC2.5, GC5). Tất cả tôm được cho ăn trong 7 ngày trước khi cảm nhiễm. Sau đó, 30 con tôm từ mỗi phương pháp điều trị được cảm nhiễm với V. parahaemolyticusbằng phương pháp tiêm với nồng độ 2×105CFU/ con. Tôm không bổ sung GC tiêm 20µL V. parahaemolyticus cho nhóm đối chứng và 20µL PBS cho nhóm không cảm nhiễm.

Kết quả nghiên cứu

Hoạt tính kháng khuẩn

GC ức chế hoạt động của vi khuẩn Vibrio ở mồng độ ức chế tối thiểu (MIC) là 2,5 và 5 mg/mL và nồng độ vi khuẩn tối thiểu (MBC) là 10 và 20 mg/mL (Bảng 1). Hơn nữa, MIC đối với L. acidophilus là >20 mg/mL, trong khi MBC chứng minh rằng L. acidophilus vẫn tồn tại mặc dù điều trị với nồng độ GC lên tới 40 mg/mL.

Bảng 1. Nồng độ ức chế tối thiểu và nồng độ vi khuẩn tối thiểu GC chống lại Lactobacillus acidophilus Vibrio

*Các khuẩn lạc L. acidophilus vẫn được phát hiện trên môi trường thạch MRS ở nồng độ 40 mg/mL.

Độc tính tế bào

So với nhóm đối chứng, xử lý GC ở nồng độ <100 µg/mL không gây độc cho tế bào máu của tôm, được biểu thị bằng sự thay đổi không đáng kể (p>0,05) về khả năng sống của tế bào. Sự giảm đáng kể (p<0,05) về khả năng sống của tế bào được quan sát thấy ở nồng độ 250 và 500 µg/mL. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của tế bào vẫn > 80% (Hình 1).

Hình 1 . Khả năng sống (%) của tế bào máu tôm thẻ chân trắng in vitro sau khi ủ với các nồng độ Galla chinensis khác nhau

Thông số miễn dịch

THC của tôm thẻ chân trắng được cho ăn bằng chế độ ăn GC cho thấy sự gia tăng dần dần từ ngày 1–7 của thời gian thử nghiệm. Chế độ ăn có chứa GC đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 7 khi so sánh với chế độ ăn đối chứng, với THC cao nhất trong nhóm GC1. Hơn nữa, trong suốt thời gian thử nghiệm từ ngày 4–28, nhóm được cho ăn theo chế độ ăn GC1 cho thấy THC cao hơn đáng kể (p<0,05) so với tất cả các nhóm khác.

Hiệu quả của chế độ ăn có chứa GC ở tôm thẻ chân trắng được tăng đáng kể (p<0,05) hoạt động PO kéo dài từ ngày 4–28 của thời gian thử nghiệm. Tôm thẻ chân trắng được cho ăn khẩu phần có chứa GC đạt mức hoạt động PO cao nhất vào ngày thứ 7 của thời gian thí nghiệm, với hoạt tính cao nhất (p<0,05) được ghi nhận ở nhóm GC1. Sau đó, hoạt động PO trong nhóm GC biểu hiện giảm nhẹ vào ngày 14, 21 và 28, tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể (p<0,05) so với nhóm đối chứng.

Khả năng kháng bệnh

Tỷ lệ sống của tôm giảm sau 7 ngày bị nhiễm mầm bệnh. Tỷ lệ sống của nhóm không bị cảm nhiễm vẫn không đổi ở mức 100% trong suốt thí nghiệm. Ngược lại, tỷ lệ sống giảm rõ rệt ở các nhóm khác vào lúc 6–72h sau khi cảm nhiễm V. parahaemolyticus. Tỷ lệ sống thấp nhất được ghi nhận ở nhóm đối chứng (36,67%) sau 72h. Tất cả các nhóm điều trị đều có tỷ lệ sống cao hơn đáng kể (p<0,05) so với nhóm đối chứng, với tỷ lệ sống cao nhất là 66,67% ở nhóm GC1 (Hình 2).

Hình 2. Tỷ lệ sống (%) của tôm thẻ chân trắng sau cảm nhiễm với Vibrio parahaemolyticus

Hiệu suất tăng trưởng

Sau 56 ngày thử nghiệm, GC0.5 và GC1 có trọng lượng cơ thể cuối cùng, mức tăng trọng và tốc độ tăng trưởng cụ thể cao hơn đáng kể (p<0,05) so với đối chứng, GC 2.5 và GC5. Tôm bổ sung GC1 có FCR thấp hơn đáng kể (p<0,05) so với nhóm đối chứng, GC2.5 và GC5. Khi so sánh tất cả các nhóm thử nghiệm, tôm được bổ sung GC5 có FCR cao nhất (p<0,05). Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sống giữa tất cả các nhóm thử nghiệm (p>0,05).

Nghiên cứu này chứng minh rằng, tiềm năng của Galla chinensis có thể tăng cường các thông số miễn dịch quan trọng và các gen liên quan, là những chỉ số quan trọng cho khả năng phòng vệ không đặc hiệu của tôm thẻ chân trắng. Hơn nữa, việc bổ sung Galla chinensis vào khẩu phần ở mức 1 g/kg không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn tăng cường khả năng chống lại mầm bệnh ở tôm thẻ chân trắng, giảm tỷ lệ chết khi nhiễm Vibrio parahaemolyticus. Những phát hiện này nêu bật tiềm năng của Galla chinensis như một chất phụ gia thức ăn có lợi, tăng cường khả năng miễn dịch và tăng trưởng, đồng thời đóng vai trò như một loại kháng sinh có nguồn gốc thảo dược cho tôm thẻ chân trắng.

Bài viết được dịch bởi nghiên cứu của Nguyen, H. T., Huang, H. T., Lin, Y. R., Chen, Y. Y., Nan, F. H., & Hu, Y. F. (2024). Dietary Galla chinensis on white shrimp Penaeus vannamei: Promotes growth, nonspecific immunity, and disease resistance against Vibrio parahaemolyticus. Aquaculture Reports, 35, 102012.

Hảo Mai (Lược dịch)