Nếu được tạo điều kiện, nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia nuôi tôm công nghiệp

Các trang trại nuôi tôm quy mô lớn đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng tôm, vậy làm gì để những mô hình này xuất hiện ngày càng nhiều hơn?


Một trang trại nuôi tôm công nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thế giới hiện nay đang có nhu cầu lớn không chỉ về tôm nói chung mà còn có nhu cầu ngày càng tăng về tôm có chứng nhận, tôm có chứng chỉ, tôm có nguồn gốc.

Do đó, để đáp ứng được nhu cầu của các thị trường, chúng ta phải phát triển nuôi tôm theo mô hình các cái trang trại lớn, nuôi tập trung thì mới đủ điều kiện đáp ứng những nhu cầu này. Đây cũng là cơ sở để nâng cao năng suất và đưa sản lượng tôm lên cao, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp có thể chủ động phần nào về tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Có một thực tế là người nuôi tôm hiện nay gần như là một lớp người mới, nên đã thoát khỏi những hoạt động sản xuất mang tính chất truyền thống như các thế hệ trước.

Lớp người nuôi tôm mới tiếp thu công nghệ rất nhanh và mạnh dạn áp dụng vào cơ sở, trang trại của mình. Nhờ vậy, tuy hiện nay diện tích nuôi tôm công nghiệp mới chỉ khoảng 130.000ha để nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng đã giúp cho tổng sản lượng tôm cả nước đạt 900.000 tấn.

Điều này cho thấy, ngành tôm Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để nâng cao sản lượng, nhất là khi các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào khâu nuôi tôm và đẩy mạnh áp dụng các công nghệ nuôi mới.

Trong thời gian qua, đang có một xu hướng là nhiều doanh nghiệp tham gia tổ chức nuôi tôm ở quy mô trang trại lớn, trong đó có những trang trại rộng tới vài trăm ha.

Những trang trại này đã phát huy hiệu quả rất đáng kể trong trong việc nâng cao năng suất, truy xuất được nguồn gốc, có các chứng nhận. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính và có thể cạnh tranh được với tôm từ các nước xuất khẩu khác.


Các trang trại nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng tôm. Ảnh: Thanh Sơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ sản lượng tôm do các doanh nghiệp tổ chức sản xuất ở các trang trại quy mô lớn, hiện vẫn còn khiêm tốn so với tổng sản lượng tôm cả nước. Hay có thể nói, đa số tôm nguyên liệu hiện vẫn đang được cung cấp từ những hộ nuôi nhỏ lẻ.

Chính vì vậy, để thúc đẩy sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp vào nuôi tôm trên quy mô lớn, ông Hòe cho rằng cần Nhà nước cần phải sự quan tâm hơn nữa về cơ sở hạ tầng, xem xét lại chính sách về về đất đai làm sao để các doanh nghiệp hình thành được những trang trại, vùng nuôi tôm có diện tích nuôi lớn, qua đó có thể đầu tư lâu dài hình thành nên vùng nuôi đúng chuẩn.

Bởi nếu doanh nghiệp chỉ có vùng nuôi quy mô vài chục ha thì cũng khó mà áp dụng các công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới hiện nay như AI, IoT … có khả năng hỗ trợ rất lớn trong nuôi tôm, giúp giảm giá thành, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, những chính sách, quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở các địa phương phải mang tính chất lâu dài để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào xây dựng những vùng tôm nguyên liệu, những trang trại tôm quy mô lớn.

Đồng thời, phải tập trung nghiên cứu, giải quyết những hạn chế lớn trong nuôi tôm ở nước ta hiện nay như dịch bệnh, xây dựng chương trình, hệ thống quan trắc nguồn nước một cách hiệu quả về chất lượng nguồn nước và thông báo rộng rãi, kịp thời tới người nuôi tôm nhằm giúp họ tránh được những nguy cơ do chất lượng nước có vấn đề.

Ông Hòe nhận định, trong thời gian tới, nếu có những chính sách phù hợp, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ngành tôm mạnh dạn đầu tư xây dựng các vùng nuôi tôm, những trang trại quy mô lớn.

Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao hơn nữa sản lượng tôm Việt Nam so với mức khoảng 1 triệu tấn hiện nay, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của ngành tôm, qua đó đáp ứng được những mục tiêu xuất khẩu lớn đã đề ra.

Mỹ Hạnh

Theo Báo Nông nghiệp