Mở lối cho ngành thủy sản: Khó khăn bủa vây ngành thủy sản

Sản lượng xuất khẩu suy giảm cả về giá trị và sản lượng; sản xuất, chế biến trong nước cũng chịu gánh nặng chi phí tăng cao. Do vậy việc “mở lối”, vực dậy ngành hàng này là điều quan trọng.

Là ngành hàng xuất khẩu mang về tỉ USD, thế nhưng trong bối cảnh chung, ngành thủy sản vẫn không thoát khỏi những ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới sau đại dịch.

Treo ao, chờ giá

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cho biết: “HTX có 22 thành viên, do lỗ quá nên chỉ còn vài hộ nuôi. Phần lớn là treo ao hoặc chuyển sang nuôi cá tạp. Một số hộ bán đất còn không đủ để trả nợ, do chi phí nuôi cá tra cao, trong khi giá bán thấp dẫn đến việc thua lỗ nặng. Người dân đang chờ chủ trương từ Nhà nước, ngành quản lý có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để tái sản xuất”.

Tương tự với người nuôi cá tra, người nuôi tôm cũng đứng ngồi không yên khi giá tôm năm nay rơi xuống mức thấp, vốn liếng tích góp trôi theo dòng nước. Anh Huỳnh Thanh Duy, ở thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, đã thu hoạch tôm được hơn nửa tháng nay mà chưa dám cải tạo ao thả lại, ngậm ngùi cho biết: “Khi nào giá tăng lên thấy được được thì mình thả thôi. Bây giờ giá 90.000 đồng/kg trở lên mới có lãi, chứ như giá hiện tại chỉ 70.000-80.000 đồng/kg là lỗ”.

Chi phí sản xuất tăng cao đẩy nhiều hộ nuôi thủy sản huề vốn, thậm chí thua lỗ.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu, Giám đốc HTX Công nghệ cao Đông Hải, cho biết qua khảo sát 20 hộ chăn nuôi thì khoảng 50% bị lỗ vốn, số còn lại thì huề vốn hoặc có lời chút ít. Nếu tình hình này kéo dài sẽ rất khó cho nông dân tái thả nuôi.

“Có thể nửa tháng, 20 ngày nữa thì người ta thả nuôi lai rai, vì thường thường Tết Nguyên đán sẽ lên giá. Nhưng năm nay, ảnh hưởng toàn cầu không biết tình hình như thế nào. Ngoài giá cả khó khăn thì tình hình thời tiết năm nay thuận lợi cho người nuôi tôm ở Bạc Liêu nói chung, huyện Đông Hải nói riêng. Những người thành công trước đây khoảng 80% (người nuôi đạt) nhưng hiện tại lỗ hết 40% rồi, còn lại là huề vốn với lời chút đỉnh”, ông Tạ Hoàng Nhiệm cho hay.

Cũng theo ông Nhiệm, xét về chi phí thì ngành chăn nuôi tôm nước ta kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác. “Ecuador, Ấn Độ nuôi tôm sản lượng gấp 3 lần Việt Nam nhưng giá thành của người ta bên đó, 30 con khoảng 2,2 USD (hơn 50.000 đồng). Trong khi chi phí của Việt Nam từ 90.000-100.000 đồng/30 con, thành ra sức cạnh tranh của mình cũng không lại. Đơn đặt hàng của châu Âu và Mỹ hiện rất thấp. Mỹ đặt tới 40% sản lượng tôm nhưng giờ cũng còn khoảng 20% thôi”, ông Nhiệm cho hay.

Tìm kiếm, mở rộng thị trường

Trước những khó khăn hiện hữu, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu Tạ Hoàng Nhiệm đề xuất: “Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông, kể cả nhà xuất khẩu phải họp lại, để có giải pháp tháo gỡ đầu ra cho con tôm, để người nuôi tôm có lợi nhuận. Nhà nước phải có chính sách tạo điều kiện cho người nuôi tôm tiếp cận gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Cơ sở hạ tầng để phục vụ nuôi tôm phải đảm bảo, có quy hoạch. Kênh thủy lợi phải nạo vét cho đàng hoàng để phục vụ việc nuôi tôm”.

Còn bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, bày tỏ: Điều lo lắng là về kim ngạch xuất khẩu, giá trị và hiệu quả sản xuất của người nuôi. Điều này ảnh hưởng đến mùa vụ năm 2024. Đối với tỉnh Sóc Trăng, địa phương chỉ đạo tập trung củng cố các HTX, tổ hợp tác về xây dựng chuỗi liên kết và áp dụng thực hành sản xuất tốt ASC vì các nhà máy chế biến yêu cầu nếu làm tốt phần này thì khả năng duy trì xuất khẩu đối với địa bàn cũng tương đối ổn định.

Thống kê của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), 8 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 715.000ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, tôm sú là 645.000ha, tôm chân trắng khoảng 70.000ha. Sản lượng đạt 657.5000 tấn. Giá thu mua tôm nguyên liệu tùy theo kích cỡ và loại tôm thu hoạch tại ao (tôm sống, tôm cấp đá và tôm đã được kiểm dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm…), giá tôm chân trắng dao động từ 76.000-115.000 đồng/kg tương đương với cỡ tôm 40-100 con/kg.

Trong khi đó, tính riêng chi phí thức ăn cho nuôi tôm dao động khoảng 67.000-82.000 đồng/kg, chưa kể các chi phí khác. Với giá bán nguyên liệu như hiện nay người nuôi tôm chưa có lãi, thậm chí thua lỗ. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay đạt 2,2 tỉ USD (giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022), riêng xuất khẩu tôm trong tháng 8 giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với sản xuất, tiêu thụ cá tra, diện tích ước đạt 3.860ha. Sản lượng thu hoạch ước đạt 1,079 triệu tấn (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2022). Giá thu mua cá tra nguyên liệu loại I trung bình 8 tháng đầu năm 2023 dao động ở mức 27.900-28.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 1.500-2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Ở mức giá này, người nuôi hiện không có lãi. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD (giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022); trong tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 167 triệu USD, ghi nhận mức sụt giảm thấp nhất trong 6 tháng gần đây.

Ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, phân tích: “Giá bán thấp thì việc tổ chức nuôi gặp khó khăn nhiều nhất. Việc trực tiếp sản xuất để đạt hiệu quả đã là khó khăn, trong đó phải cần phụ thuộc vào yếu tố vật tư đầu vào, chất lượng. Sau khi sản xuất xong, lại phụ thuộc vào đầu ra, đặc biệt là giá, tiêu thụ sản phẩm. Muốn thúc đẩy sản xuất, chúng ta cần kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, chất lượng, để có sức cạnh tranh về giá và các rào cản, đầu ra về sản phẩm”.

Mộng Toàn

Nguồn tin: Baohaugiang.com.vn

Tin mới nhất

T5,02/05/2024