Liệu có thiếu hụt tôm nguyên liệu?

Đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cân nhắc trước khi đặt bút ký kết các hợp đồng mới, mặc dù giá xuất khẩu vẫn được giữ ở mức cao.

Sau khi tăng mạnh đến 47% trong tháng 4, đến tháng 5, xuất khẩu tôm cả nước có dấu hiệu chững lại khi chỉ tăng 19%. Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng đến 38% so cùng kỳ khi doanh số xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD. Xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm tăng mạnh tuy có đôi chút bất ngờ với nhiều người, nhưng gần như nằm trong tầm dự báo của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua các hợp đồng xuất khẩu tôm được ký kết từ cuối năm 2021 tương đối khá và phần lớn đều ký được mức giá cao. Cùng với đó là các hợp đồng mới khi doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ thủy sản quốc tế tổ chức tại Mỹ và Tây Ban Nha trong những tháng đầu năm. Sở dĩ doanh nghiệp mạnh dạn ký hợp đồng mới tương đối lớn ngay từ cuối năm chủ yếu là vì có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng. Ngoài ra, tình trạng lạm phát toàn cầu, cước vận tải biển tăng cũng tác động mạnh lên giá tôm, làm giá tôm tăng cao hơn so với mọi năm.


Kiểm tra tôm thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trị bệnh cho tôm

Tuy tình hình xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm tương đối thuận lợi khi cả doanh số xuất khẩu lẫn lợi nhuận đều tăng, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm trong những tháng còn lại khi mà cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan đều cho thấy có phần bất lợi hơn so với 5 tháng đầu năm. Trước hết là về tình hình nuôi. Ngay từ đầu tháng 5, thời tiết khu vực đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu mưa nhiều hơn, gây biến động môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi và phát sinh dịch bệnh. Ngay từ đầu tháng 5, các thông tin phản hồi từ một số trang trại nuôi tôm lớn cũng như người nuôi tôm nhỏ lẻ cho biết đã có sự xuất hiện của bệnh EHP, đặc biệt là tại các vùng nuôi ven biển. Một số trại nuôi tôm lớn và hộ nuôi nhỏ lẻ buộc phải thu hoạch trước thời hạn để bảo toàn vốn nuôi khiến lượng tôm cỡ nhỏ tăng đột biến trong tháng 5, gây bất lợi cho các nhà máy trong việc đảm bảo công suất chế biến và sản lượng xuất khẩu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tăng trưởng xuất khẩu tôm tháng 5 có phần chững lại.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, điều mà họ quan tâm nhất hiện nay chính là liệu có xảy ra trường hợp thiếu hụt tôm nguyên liệu trong những tháng tới hay không. Sự lo lắng trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi từ tháng 6 đến hết tháng 9 là khoảng thời gian mưa bão nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nên việc chăm sóc tôm nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là bệnh EHP hiện vẫn chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả, nên từ đầu tháng 5 đến nay đã có một số trang trại, hộ nuôi tôm nhỏ lẻ đã tạm ngừng thả giống vì lo sợ thiệt hại. Chưa có con số thống kê chính thức về các trường hợp tạm ngưng thả giống, nhưng trước thông tin khuyến mãi con giống (post) 30 – 50%, thậm chí là 100% càng khiến người nuôi tôm thêm lo về dịch bệnh, bởi theo người nuôi tôm, thường chỉ khi nào giá tôm thấp, tỷ lệ tôm sinh sản cao hoặc có dịch bệnh ít người thả nuôi thì tôm giống mới có khuyến mãi lớn.

Đó là về nội tại, còn khách quan, theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, kinh tế thế giới đang ở trạng thái không tốt, lạm phát và khủng hoảng lương thực, thực phẩm đang chực chờ. Hai cường quốc tôm hàng đầu là Ecuador và Ấn Độ đang tập trung thúc đẩy ngành tôm phát triển và năm qua hai nước này đều có kim ngạch xuất khẩu tôm cao hơn Việt Nam. Lợi thế của họ là giá tôm bán khá rẻ, thấp hơn tôm ta cả đô la mỗi ký. Ông Lực chia sẻ: “Tôi không đủ thông tin để biết tình hình nuôi tôm hai quốc gia này đang tốt xấu ra sao, chỉ biết tin dịch bệnh lẻ tẻ, chưa xác định là nguy cơ. Trong hoàn cảnh khách quan khá bất lợi này và khó khăn chủ quan ta đang gặp phải, các thành viên chuỗi giá trị con tôm cần có cách ứng xử phù hợp theo hoàn cảnh riêng của mình”.

Theo thông tin người viết có được, bước sang tháng 6 này, nguồn tôm nguyên liệu vẫn đủ đảm bảo cho các nhà máy hoạt động theo kế hoạch, nhưng như thế cũng chưa đủ để làm vơi đi nỗi lo thiếu hụt tôm nguyên liệu trong thời gian tới. Thị trường xuất khẩu tôm năm nay được dự báo rất lạc quan. Các doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho một năm tăng tốc sau đại dịch Covid-19, nhưng kết quả có được như mong đợi hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn tôm nguyên liệu trong thời gian tới.

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng