Hiệu quả từ nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE

Huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là địa phương có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, với hơn 5.000 ha mặt nước ở các lòng hồ thủy điện. Ðể phát huy lợi thế này, thời gian qua người dân huyện Tương Dương đã đầu tư lồng làm từ nhựa HDPE để nuôi cá góp phần tăng thu nhập đáng kể.

Anh Lô Văn Ngo là người đầu tiên ở bản Ðình Phong, xã Tam Ðình, huyện Tương Dương (Nghệ An) đầu tư lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE để nuôi cá lồng trên mặt nước hồ thủy điện Khe Bố. Anh Ngo chia sẻ: Lúc đầu, nhiều người băn khoăn về việc lồng có phù hợp với mặt nước và địa hình hồ hay không. Sau hơn bốn năm sử dụng, anh thấy cá lớn rất nhanh do lượng nước được lưu thông thường xuyên, cá được tiếp xúc với các loại thức ăn từ tự nhiên nhiều hơn cho nên thịt dai và không có mùi tanh của bùn như cá nuôi trong ao. Mỗi lứa cá, anh Ngo xuất bán từ 100 kg đến 300 kg. Từ nuôi thử nghiệm sáu lồng, hiện nay, anh đã đầu tư thêm 12 lồng. Trước đây, để đóng một lồng cá tốn khoảng hơn 20 triệu đồng, nhưng lồng cá bằng nhựa HDPE chỉ 17,5 triệu đồng mà độ bền cao hơn và vệ sinh lồng đơn giản hơn lồng cá truyền thống.

Thấy được hiệu quả từ mô hình mới, nhiều gia đình khác cũng đã đầu tư và sử dụng lồng cá bằng nhựa HDPE. Chị Vi Thị Hương ở bản Cáp Tráp, xã Tam Thái, huyện Tương Dương cho biết, gia đình chị đã có hơn 10 năm nuôi cá lồng. Do đóng bằng gỗ, tre, nứa cho nên lồng truyền thống nặng, mùa mưa bão thường xuyên phải huy động nhiều người để di chuyển, nếu di chuyển không kịp là bị cuốn trôi, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Sau khi được cán bộ khuyến nông của xã phổ biến cách nuôi cá bằng lồng HDPE, gia đình chị đã quyết định đầu tư hơn 50 triệu đồng để nuôi thử nghiệm. Cá lớn nhanh, không khác gì thả tự nhiên, cho nên mỗi năm, gia đình chị bán được hai lứa cá. Ðợt vừa rồi mới bán được 50 kg cá lăng và hơn 100 kg cá trê phi. Ưu điểm của lồng này là nhẹ, một người cũng có thể di chuyển, rất cần khi mùa mưa lũ đến.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Hùng, lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE đang được sử dụng phổ biến tại các lòng hồ thủy điện ở Nghệ An là sáng chế của kỹ sư Hoàng Văn Hợi (Nghệ An). HDPE là chất liệu bền vững mà các nước trên thế giới đã áp dụng. Chất liệu này đã được Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích và chứng nhận có độ bền hơn 50 năm. Chi phí lồng nhựa HDPE rẻ hơn gần 40% so với lồng nhập khẩu. Sáng chế này đã được người dân đón nhận, ứng dụng rất hiệu quả. Huyện Tương Dương là huyện miền núi, vùng cao, nhưng lại có các lòng hồ thủy điện lớn phù hợp để ứng dụng lồng nhựa HDPE, như Khe Bố, Bản Vẽ. Thời gian qua, bằng các nguồn dự án hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực của người dân, huyện Tương Dương đã chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 216 lồng nuôi cá, trong đó lồng nhựa HDPE chiếm 70%. Sản lượng cá từ nuôi trồng mỗi năm trung bình từ 450 tấn đến 500 tấn, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân huyện Tương Dương.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Ðức Sơn cho biết, thực hiện Quyết định số 15/2018/QÐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện Tương Dương đã hỗ trợ hơn 80% chi phí đầu tư lồng nhựa HDPE cho người dân, đồng thời khuyến khích người dân đầu tư nhiều lồng mới, mở rộng quy mô nuôi trồng từ 5 xã lên 8 xã. Xác định đây là hướng đi mũi nhọn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, và lao động của địa phương, thời gian tới bằng nhiều nguồn lực, huyện Tương Dương sẽ tiếp tục hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE.

ÐÌNH TỶ

Nguồn tin: Nhân Dân

>>> Giá tôm thẻ và tôm sú tại Tây Nam Bộ và Bình Định ngày 4/12

Tin mới nhất

T5,10/10/2024