Hiệu quả nuôi trồng thủy sản cao hơn 2 – 5 lần nhờ áp dụng công nghệ

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 23.700 ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 – 5 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.


Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải, Trà Vinh Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong tổng diện tích hơn 23.700 ha đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao có 7.000 đất trồng lúa và trên 5.000 ha trồng màu, vườn cây ăn trái ứng dụng công nghệ nhà lưới, thủy canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; hơn 11.000 ha nuôi trồng thủy sản theo phương thức thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, các mô hình sản xuất nông nghiệp được ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao đều cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội.

Cụ thể, về trồng lúa ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao cho năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha cao hơn 1 tấn so với phương thức trồng lúa truyền thống; về trồng rau màu được sử dụng công nghệ nhà lưới, kết hợp tưới phun cho sản phẩm đạt chuẩn VietGAP làm tăng giá trị cung ứng từ 10 – 15 %; đối với cây ăn trái như dừa sáp được ứng dụng cây phôi tạo giống mới cho tỷ lệ trái sáp đạt 70%, cao hơn 30 – 40% so với cây giống được nhân từ cây giống đầu dòng.

Đối với nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong ao nổi lót bạt cho sản lượng bình quân 40 – 50 tấn /ha/vụ, cao gấp 5 – 7 lần so với nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh bình thường.


Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải cho năng suất từ 50-70 tấn/ha, lợi nhuận cao gấp 7-10 lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh bình thường. Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN

Đồng thời, ưu điểm vượt trội của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao trong ao nổi lót bạt có hệ thống ao trữ lắng lọc, ao xử lý nước thải tuần hoàn khép kín không xả thải để bảo vệ môi trường. Việc dùng máy tự động để cho tôm ăn giúp hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao. Với phương cách nuôi này, không chỉ đạt cao về sản lượng, chất lượng tôm thương phẩm mà còn hạn chế thấp nhất rủi ro về dịch bệnh trên tôm.

Ông Nguyễn Thành Nam, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang cho biết, 3 năm qua, gia đình chuyên trồng 0,3 ha rau màu trong nhà lưới, mỗi vụ trồng rau màu giảm đến 80 % chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Các loại rau ăn lá được trồng đều cho năng suất cao hơn so với cách trồng truyền thống. Bên cạch đó, sản phẩm rau màu sạch nên được thương lái thu mua tăng thêm 1.000 – 1.500 đồng/kg.

Theo ông Trần Văn Dũng, thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về Quy trình chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025; trong đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị, hộ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản.

Tính riêng trong lĩnh vực nghiện cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh ưu tiên dành nguồn ngân sách từ 150 – 200 tỷ đồng để thực hiện khoảng 120 đề tài, dự án nghiên cứu và các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học – công nghệ, nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất và chế biến nông sản, giúp nông dân sản xuất ổn định và tăng thu nhập./.

Phúc Sơn

TTXVN