Hải Phòng: Thành công với mô hình nuôi tôm rảo thâm canh

[Người Nuôi Tôm] – Hải Phòng là địa phương đi đầu trong cả nước về nghiên cứu và phát triển nuôi tôm rảo, từ việc sản xuất giống đến xây dựng mô hình nuôi thâm canh phù hợp, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản địa phương.

 

Với khả năng thích nghi rộng và hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi tôm rảo thâm canh tại Hải Phòng đã được chứng minh là phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành thủy sản. Sau hai năm triển khai, mô hình nuôi tôm rảo thâm canh tại Hải Phòng đã đạt hiệu quả kinh tế cao, với tỷ lệ sống trung bình đạt 60%, FCR 1,5 và năng suất 3 tấn/ha, với tỷ suất lợi nhuận từ 74,76 – 113,76% và lợi nhuận ròng lên tới 455 triệu đồng/ha.

 

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm rảo thương phẩm áp dụng trong mô hình

Bước 1: Chuẩn bị cơ sở hạ tầng khu nuôi

Chuẩn bị hệ thống ao chứa lắng, ao ương, ao nuôi và các công trình phụ trợ khác.

Bước 2: Cải tạo ao ương, ao nuôi

Thực hiện tháo cạn nước để loại bỏ các địch hại có trong ao. Sau đó, vét bùn đáy ao và tu sửa bờ các cống cấp, thoát nước. Rải vôi bột đều trên đáy ao và bừa kỹ để vôi ngấm vào đất, giúp diệt hết các địch hại còn sót lại. Cuối cùng, phơi đáy ao trong khoảng 5 – 7 ngày để đảm bảo môi trường sạch sẽ trước khi thả giống.

Bước 3: Lấy nước và xử lý nước trong ao ương, ao nuôi

Lấy nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày. Để lắng 3 – 4 ngày. Chạy quạt nước liên tục 2 – 3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng nở thành ấu trùng. Diệt tạp khuẩn nước cấp trong ao lắng vào buổi sáng hoặc chiều bằng chlorine. Cấp nước từ ao lắng qua ao nuôi (qua nhiều lớp túi lọc bằng vải dày) đến khi mức nước trong ao nuôi đạt từ 1,3 – 1,5m. Để lắng 2 ngày.

Bước 4: Gây màu cho ao ương, ao nuôi

Sử dụng hỗn hợp rỉ đường, thức ăn nuôi tôm, bột đậu nành đã nấu chín, để mát, ủ trong 10 lít nước có chứa chủng vi khuẩn Bacillus spp, Lactobacillus spp, Nitrobacter spp., Saccharomyces spp. Khi màu nước trong ao chuyển sang màu của tảo khuê (vàng hay nâu nhạt) hay màu xanh vỏ đậu thì tiến hành thả giống.

Bước 5: Lắp đặt, vận hành quạt nước, sục khí

Bố trí hệ thống quạt nước và thời gian chạy quạt nước phải đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm nuôi.

Bước 6: Chọn và thả giống

Giai đoạn 1: Ương tôm giống: Diện tích ao ương 200 – 300 m2/ao; Mật độ giống ương 1.000 – 1.300 con/m2 (cỡ giống P12-P15); Thời gian ương giống 25 – 30 ngày.

Giai đoạn 2: Nuôi tôm thương phẩm: Diện tích áo nuôi 3.000 m2/ao; Mật độ tôm nuôi thương phẩm 60 – 80 con/m2 (cỡ giống 1,5 – 2 cm); Thời gian nuôi 80 – 90 ngày; Năng suất >2,5 tấn/ha.

Bước 7: Chăm sóc và quản lý ao ương, ao nuôi

Cho ăn: Thức ăn sử dụng là những loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 30 – 40% tùy thuộc vào giai đoạn nuôi, kích cỡ tôm.

Lượng thức ăn: Giai đoạn ương, sử dụng thức ăn cỡ nhỏ cho giai đoạn mới thả. Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm, chuyển đổi kích cỡ thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới, cho ăn ít nhất 3 ngày.

Quản lý môi trường ao nuôi: Quan trắc các yếu tố môi trường DO, pH, độ trong bằng cách đo trực tiếp hằng ngày; độ kiềm, BOD, COD (tuần/lần). pH và độ kiềm là hai yếu tố quan trọng tác động đến đời sống của tôm. Khi pH và độ kiềm thay đổi ngoài khoảng thích hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc quản lý môi trường, sức khỏe tôm nuôi, không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm trong nuôi trồng thủy sản để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bước 8: Thu hoạch

Chọn thời điểm thích hợp khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm và giá cả thị trường.

Theo Bản tin KHCN Nông nghiệp và Phát triển Nồng thôn – Số 02/2024