EHP: Phương pháp giảm tác động trên tôm

[Tạp chí người Nuôi Tôm] – Nuôi đúng cách là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững, nên có hướng đi đúng đắn và phù hợp với từng khu vực, từng trang trại nuôi giúp hạn chế tối đa tác dụng của dịch bệnh gây ra trên tôm, nhất là bệnh Vi bào tử trùng (EHP).

Cách duy nhất để kiểm soát mầm bệnh EHP là loại bỏ mầm bệnh thông qua các biện pháp an toàn sinh học

 

Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei là nguyên nhân chính gây ra bệnh EHP. Các bào tử là con đường chính lây nhiễm mầm bệnh vào tôm. Khi tôm tiêu thụ các mô bị nhiễm bệnh (thông qua ăn thịt đồng loại), từ phân hoặc gián tiếp qua nước, bào tử sẽ xâm nhiễm vào các tế bào trong gan tụy, đường ruột và bắt đầu nảy mầm.

Khi xâm nhập vào tế bào chủ, chúng sử dụng cơ chế trao đổi chất của tế bào để tạo ra nhiều bào tử hơn cho đến khi tế bào bị nhiễm bệnh vỡ ra, giết chết tế bào vật chủ và phóng thích thêm nhiều bào tử lây lan khắp cơ thể vật nuôi. Nhiều loài microsporidians có vật chủ trung gian trong một số chu kỳ sống và điều này giúp giải thích tại sao thức ăn tươi sống có thể mang bào tử.

Tôm không đồng đều là dấu hiệu điển hình của bệnh

Mặc dù có rất nhiều biện pháp áp dụng để giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh trên tôm thẻ chân trắng (cũng như các loài khác), nhưng vẫn chưa có biện pháp nào thực sự có hiệu quả trong kiểm soát sự lây lan mầm bệnh này.

Đến năm 2023, có rất nhiều báo cáo về những tác động nghiêm trọng từ bệnh. Phải có sự tích tụ lượng lớn các bào tử trong cơ thể tôm thì mới có thể thấy được các triệu chứng điển hình và những tác động ngày càng trở nên rõ ràng. Khi phát bệnh tôm vẫn tiêu thụ thức ăn nhưng chậm phát triển.

Tôm phát triển không đồng đều và ngày càng dễ bị nhiễm các mầm bệnh cơ hội. Bệnh Phân trắng có liên quan đến sự hiện diện của sinh vật cùng với một số loài vi khuẩn bao gồm Propigenium và một số vi khuẩn Vibrios.

Dường như có một mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa mật độ nuôi và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mô hình sản xuất mật độ thấp ít gặp vấn đề hơn. Và ngược lại với mô hình mật độ cao khả năng xảy ra dịch bệnh thường cao và nghiêm trọng hơn.

Trong môi trường nuôi mật độ cao, khả năng bào tử di chuyển giữa các cá thể sẽ cao hơn. Nếu các biện pháp phòng ngừa không được thực hiện kịp thời để hạn chế lượng bùn tích tụ trong ao, hồ chứa và các khu vực khác liên quan đến sản xuất thì lượng bào tử EHP có thể gây ra tác động mãn tính ngay cả đối với mô hình sản xuất mật độ thấp.

An toàn sinh học giúp kiểm soát tốt mầm bệnh

Trước khi phát hiện các dấu hiệu bệnh ra bên ngoài, tôm đã mang trong mình lượng bào tử rất lớn. Tiếp đến là tăng trưởng chậm và tiêu thụ thức ăn quá mức. Hiện tại, có một số sản phẩm ức chế được một số loại microsporidians, tuy nhiên EHP lại có tác dụng đề kháng với những sản phẩm đó.

Cách duy nhất để kiểm soát mầm bệnh này là loại trừ EHP và kiểm soát mức độ thông qua các biện pháp an toàn sinh học phổ biến, một số biện pháp sinh học như (Bảng 1):

Bảng 1. Các biện pháp an toàn sinh học để kiểm soát EHP
Đứt gãy chu kỳ Không sử dụng tôm bố mẹ mang mầm bệnh hoặc được nuôi với môi trường sản xuất không được kiểm soát (như ao nuôi tôm bố mẹ ngoài trời). Thức ăn tươi sống có nguy cơ cao nếu không được sàng lọc hoặc từ các nguồn an toàn sinh học (như nhuyễn thể).
Sàng lọc liên tục tất cả các giai đoạn sống bằng RT-PCR Lấy mẫu ngẫu nhiên, thường xuyên và tìm kiếm những con vật yếu. Cần đánh giá cẩn thận do nhiều microsporidia trong hệ sinh thái dưới nước không liên quan đến tôm, nhưng một số loài trong đó có thể gây nên phản ứng chéo, dẫn đến kết quả dương tính giả.
Loại bỏ bùn tích tụ Phân là nơi tích tụ bào tử. Các mảnh thức ăn có thể lắng cùng phân ở đáy ao và tôm có thể dễ dàng nhiễm khi tìm kiếm thức ăn.
Sử dụng máy cho ăn tự động Bên cạnh việc giảm lãng phí thức ăn, điều này còn làm giảm căng thẳng và ngăn cản việc tìm kiếm thức ăn. Sử dụng hợp lý sẽ ngăn ngừa tích tụ các mảnh vụn thức ăn tích lũy.
Đặt câu hỏi Nếu PL mang bào tử ở mức độ vừa phải thì rất có thể tôm sẽ gặp vấn đề ở những ngày nuôi cuối. Điều quan trọng cần phải hiểu là ngay cả ở mức độ bào tử thấp cũng có thể được khuếch đại nhanh chóng mà không cần đến thời điểm phát bệnh với mật độ bào tử cao. Các trại giống quản lý tốt việc này giúp xây dựng niềm tin ở khách hàng.
Ao khô Phơi ao thường xuyên nếu thời tiết và chu kỳ của bạn cho phép. Bón vôi thật nhiều và phơi nắng cho đất chín. Điều này sẽ làm giảm tải lượng bào tử.
Lót ao bạt Thay đổi hệ sinh thái ao nuôi bằng cách loại bỏ sự tương tác giữa đất/nước. Điều quan trọng, cần chú ý các bào tử được truyền vào môi trường qua phân tôm và sau đó gây bệnh sang những con tôm khác. Giữ đáy ao sạch sẽ là hữu ích và việc xử lý chất hữu cơ tích lũy là điều cần thiết. Nếu không được xử lý, đây là một nguồn bào tử gây bệnh lớn.

 

Giảm số lượng bào tử là con đường duy nhất hướng tới việc giảm thiểu tác động bệnh. Lựa chọn di truyền giống là cách giúp tôm giống có khả năng chống chịu tốt với nhiễm bào tử hoặc thậm chí kháng thuốc.

Không có loại thuốc nào có thể loại bỏ lượng lớn bào tử tích tụ trong động vật. Hiện nay, cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là kiểm soát mức độ bào tử ở tất cả các giai đoạn của quy trình nuôi và thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo điều này.

Giám sát chặt chẽ trong việc sản xuất tôm bố mẹ ở nhiều nước sẽ là một khởi đầu tốt. Việc sàng lọc mầm bệnh cần phải thực hiện toàn diện, không nên tập trung vào những yếu tố mà cơ quan quản lý đã xác định là mối quan tâm duy nhất.

Đánh giá sự hiện diện hay vắng mặt của mầm bệnh trong tôm bố mẹ nuôi trong môi trường an toàn sinh học không nên dựa trên việc lấy mẫu quần thể. Mỗi cá thể bố mẹ cần được kiểm tra. Sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện, đảm bảo hiệu quả kinh tế mặc dù nó sẽ làm tăng gấp đôi giá của hầu hết tôm bố mẹ thương mại.

Có hai cách để đảm bảo rằng tôm bố mẹ không mang bào tử EHP ngay từ đầu. Sàng lọc và theo dõi hoạt động của các loài vật nuôi, tức là cần thiết lập hồ sơ lưu trữ và việc sàng lọc là cần thiết. RT-PCR là một công cụ mạnh mẽ, nhưng nó có những hạn chế giống như tất cả các xét nghiệm PCR dựa trên số lượng nhân bản. Mồi phải đặc hiệu nếu không sẽ có kết quả dương tính giả.

Các mô được lấy mẫu phải chứa đúng sinh vật gây bệnh. Mẫu hoặc mô mục tiêu quá nhỏ không chứa mầm bệnh có thể dẫn đến kết quả âm tính giả. Ngay cả khi những điều trên không phải là vấn đề thì việc sử dụng PCR trong xét nghiệm khuếch đại gen vẫn chỉ là một phương pháp thống kê.

Việc theo dõi ấu trùng và PL ở mỗi lứa là điều cần thiết. Nếu chúng có kết quả PCR dương tính được xác định bằng xét nghiệm định kỳ thì chúng phải bị tiêu hủy và nên xem xét sự hiện diện của mầm bệnh trong tôm bố mẹ. Nếu con giống “sạch” thì hiệu quả hoạt động tại trang trại sẽ cung cấp thêm thông tin hữu ích cho nghiên cứu.

Nuôi đúng cách là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững. Nếu các hoạt động trên được thực hiện thường xuyên thì tác động của bệnh Đốm trắng WSSV và nhiều bệnh khác sẽ giảm đi đáng kể. Thông điệp quan trọng nhất là nên có những hướng đi đúng đắn và phù hợp với từng khu vực, từng trang trại thông qua những hồ sơ lưu trữ. Vì thực tế cho thấy rằng, ngành nuôi tôm đang gặp phải các vấn đề về dịch bệnh sẽ xảy ra thường xuyên trong quá trình nuôi.

Trudy Nguyễn

(Theo Aquaculture Magazine)