Cơ hội và động lực bứt phá cho ngành hàng tỷ đô

Theo Tổng Cục Thủy sản, năm 2020  tổng sản lượng tôm nuôi đạt 950.000 tấn. Trong đó tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ, tôm khác đạt 50.000 tấn.

Giá tôm nguyên liệu tăng

Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay ngành tôm nước ta vẫn tăng trưởng khá tốt. Các đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh, giá tôm nguyên liệu nhích lên từng ngày, cả người nuôi và doanh nghiệp đều phấn khởi. Tại khu vực ĐBSCL, vựa tôm của cả nước, hiện tại giá tôm thẻ nguyên liệu loại 100 con/kg đang được thương lái thu mua với giá 100.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 3 năm trở lại đây. Nhờ tuân thủ tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong việc thâm canh đẩy mạnh thả nuôi nên hiện bà con tại các vùng nuôi tôm đang có được nguồn nguyên liệu để bán với giá cao. Với diện tích ao 1500 m2 nuôi siêu thâm canh, vụ tôm lần này anh Nguyễn Thành Bon (Giám đốc Điều hành công ty CP Việt Úc Hòa Bình, Bạc Liêu) cho thu hoạch hơn 8 tấn tôm nguyên liệu, tăng 20% so với vụ trước. Với giá bán hiện tại mang về lợi nhuận rất lớn.

Theo khuyến cáo của ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, bà con nên tranh thủ thời gian này để xuống giống. Và nhằm đảm bảo việc xuống giống thuận lợi, người nuôi cần tuân thủ các hướng dẫn về mặt kỹ thuật, công tác chuẩn bị ao đầm, vật tư đến khâu chăm sóc thật kỹ càng.

So với đầu năm, giá tôm đã tăng khoảng 15%, giá tăng được cho là nhờ các nhà máy đẩy mạnh thu mua đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu cuối năm. “Để trả các đơn hàng đã ký chúng tôi phải tăng cường mua nhất là nguyên liệu sạch dù giá có tăng nhưng chúng tôi vẫn mua được”, bà Nguyễn Thị Kim Ánh – Phó Quản đốc Công ty TNHH Hải sản Việt Hải, Hậu Giang chia sẻ. Đến cuối tháng 11 năm 2020, xuất khẩu tôm nước ta đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, hoạt động nuôi, chế biến không bị đứt gãy, chất lượng tôm được nâng cao, thị trường liên tục mở rộng sẽ là cơ hội để ngành hàng tỷ đô này bứt phá và vươn xa hơn.

Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu tôm

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 11/2020 tăng trưởng ấn tượng ở mức 13% so với cùng kỳ năm 2019. Với việc nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ cuối năm tăng cao, các doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu thủy sản tháng cuối năm sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8,6 tỷ USD. Đại diện VASEP cho biết, sau khi giảm liên tục trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 7, nhờ xuất khẩu tôm tăng ổn định và các sản phẩm hải sản cũng có tín hiệu khả quan, tháng 9 tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%. Tháng 10 xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 12% và tháng 11 tiếp tục tăng cao đạt 13% so với cùng kỳ năm 2019 với giá trị xuất khẩu đạt 868 triệu USD. Nhờ sự hồi phục trong 3 tháng gần đây, lũy kế đến cuối tháng 11 xuất khẩu thủy sản đã đạt trên 7,8 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,6 tỷ USD, (năm 2019 đạt 8,54 tỷ USD), đây là kết quả vượt hơn sự mong đợi trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU…

Về cơ cấu xuất khẩu, tôm là mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng 2 con số từ tháng 6, tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28%  đạt 395 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

Chuyển biến trong sản xuất

Ông Trần Đình Luân nhận định, ngành tôm Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng đang gặp thách thức lớn về biến đổi khí hậu, muốn tăng diện tích nuôi tôm đòi hỏi đầu tư về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, sản xuất nhỏ lẻ còn chiếm 70 – 80% diện tích ngành sản xuất tôm, thực trạng này dẫn đến khó khăn trong hội nhập và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, khó khăn về nguồn tôm bố mẹ và cơ sở hạ tầng nên giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh hạn chế.

Năm 2020, ngành tôm được kỳ vọng có nhiều tăng trưởng thông qua những dấu hiệu tích cực từ sản xuất và thị trường. Tại Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Thương mại nước này đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%, trong danh sách có nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Sao Ta, Camimex… Bên cạnh đó, việc các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đi vào thực thi mà điển hình là CPTPP, EVFTA, sẽ tạo thêm rất nhiều cơ hội cho ngành thủy sản nói chung trong đó có mặt hàng chiến lược là con tôm có thêm xung lực mới. Tác động của hiệp định thương mại tự do cũng sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Theo xu hướng chung của thế giới, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vẫn có rất nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển; trong đó có con tôm. Chính vì vậy, thời quan qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiên phong nghiên cứu áp dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tạo sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nuôi mô hình CPF-Combine, công nghệ 2-3-4, ương tôm mật độ cao Raceway, nuôi tôm siêu thâm canh trong ao tròn nổi theo công nghệ Biofloc, công nghệ Biosipec… Đây là hướng đi bền vững và là xu thế phát triển tại Việt Nam, mở ra triển vọng bền vững cho ngành tôm. 

Hướng tới các quy chuẩn chất lượng quốc tế

Các tiêu chuẩn thủy sản ngày càng có xu hướng phát triển theo những đòi hỏi đa dạng của người tiêu dùng. Với người tiêu dùng ở Hoa Kỳ, EU hay Nhật Bản, họ luôn có các yêu cầu bắt buộc về an toàn thực phẩm. Hơn 90% các nhà bán lẻ tại thị trường Bắc Mỹ và 75% các nhà bán lẻ tại thị trường EU…yêu cầu thủy sản phải đáp ứng với sự bền vững của môi trường.

Có nhiều tiêu chuẩn chứng nhận đã và đang được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam như: SQF, Global GAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP…Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quan trọng được áp dụng phổ biến cho nuôi tôm xuất khẩu hiện nay là ASC, Global GAP và BAP. Đặc điểm chung của các tiêu chuẩn này là đều tập trung vào:

  • Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
  • An toàn dịch bệnh
  • An toàn môi trường
  • An toàn xã hội
  • Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Bảng phạm vi tiêu chuẩn (Theo tài liệu đào tạo chứng nhận BAP của VASEP/2012)

Tiêu chuẩn Nhà máy chế biến Trại giống Nông trại Nhà máy thức ăn An toàn thực phẩm và chất lượng Môi trường An toàn công nhân Vệ sinh Trách nhiệm xã hội Nhãn hiệu đến tay người tiêu dùng
GAA BAP X* X X X X X X X X X
BRC X*       X     X   B2B
SQF 2000 X*       X Không bắt buộc Không bắt buộc X Không bắt buộc Cấp độ 3
SQF 1000     X*   X Không bắt buộc Không bắt buộc X Không bắt buộc Cấp độ 3
Global GAP   X X* X X X X X Không bắt buộc B2B
ASC     X   X X X X X X

*Các tiêu chuẩn được GFSI công nhận tính đến 31/05/2012

Phúc Bảo

Theo VASEP, sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng mạnh sau 5 năm, trong giai đoạn 2015-2019, ngành tôm Việt Nam đạt tăng trưởng trung bình 4%/năm. Bao gồm: diện tích tăng trung bình 1,4%/năm; sản lượng tăng trung bình 5,7%/năm, chủ yếu nhờ năng suất tôm thẻ chân trắng ngày càng được cải thiện. Nhờ vậy, suốt 5 năm qua, sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng gần 41%, tính trung bình tăng 9%/năm. Còn sản lượng tôm sú chỉ tăng trung bình 1,2%/năm và tăng 3,1% sau 5 năm. Các thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam là: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 81-85% tổng giá trị. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhất với mức tăng trưởng trung bình năm là 16% và sau 5 năm tăng trên 55%, tiếp đó là EU, Hàn Quốc… Trong tổng lượng tôm xuất khẩu, tôm đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tôm chế biến chỉ chiếm tỷ trọng đáng kể ở một số thị trường như Mỹ, tiếp đến là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tại các thị trường chính có FTA với Việt Nam, tôm Việt Nam đang có lợi thế về thuế nhập khẩu so với nhiều nước khác.