Chiến lược nuôi biển bền vững: Vươn khơi để biến tiềm năng thành giá trị

Trước làn sóng nuôi biển diễn ra sôi nổi, năng động trên toàn cầu, cùng trở lại với Việt Nam – cái tên luôn được nhắc đến trong danh sách những quốc gia đầy tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển.

Nghề nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế…

Theo ghi nhận của Tổng Cục thủy sản, những năm gần đây, sản lượng và giá trị nuôi biển đều tăng. Năm 2017, diện tích nuôi biển cả nước đạt xấp xỉ 246 nghìn ha, nâng tổng sản lượng thu hoạch lên mức hơn 377 nghìn tấn, đến năm 2018 và trong năm 2019 cũng có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, con số tăng không thể nói lên sự phát triển của cả ngành. Và thực tế, đúng là không thể vội mừng bởi khi xem xét trong cả giai đoạn thì biên độ tăng đang ngày càng bị thu hẹp, tốc độ tăng trưởng bình quân giữa các năm trong chu kỳ dần bị san bằng. Điều này phản ánh, thực chất nuôi biển Việt Nam đang có dấu hiệu bị chững lại, về giai đoạn sau thì càng không phát triển được như giai đoạn trước, hay nói cách khác nuôi biển Việt Nam sẽ chậm phát triển dần đều trong tương lai.

Nguyên nhân có thể giải thích như sau: Số tăng hằng năm đến từ hoạt động khai thác tiềm năng tự nhiên từ biển kết hợp với hoạt động nuôi biển gần bờ. Nhưng trong dài hạn, khai thác tự nhiên và nuôi biển gần bờ sẽ là không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển vượt bậc của nền kinh tế và xã hội. Biên độ giảm trong dần cho thấy một tương lai không mấy bền vững nếu chỉ tiếp tục tập trung vào 2 hướng đi này.

Hiện nay, một hiện trạng đáng buồn đó là các hoạt động nuôi biển chủ yếu vẫn tập trung ở những khu vực tương đối hẹp, gần bờ – nơi diễn ra rất nhiều hoạt động khác như công nghiệp, quốc phòng, an ninh … Những hoạt động này mâu thuẫn, xung đột với nuôi biển làm giảm đáng kể diện tích ven bờ dành cho nuôi biển. Bên cạnh đó các hoạt động nuôi biển nhỏ lẻ, tự phát tổ chức khai thác, nuôi trồng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…

Chia sẻ về những hạn chế nuôi biển Việt Nam, KS Lê Bền – GĐ Công ty TNHH Trí Tín nhận xét, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành nuôi biển nói chung và lĩnh vực nuôi trồng rong nho nói riêng. Tuy nhiên hiện nay, diện tích trồng rong vẫn rất khiêm tốn, các đối tượng trồng còn nghèo nàn, quy mô và vị trí nuôi trồn còn gần bờ, nhỏ lẻ, phương pháp nuôi trồng lạc hậu…Từ hiện trạng đó, ông nhấn mạnh cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển chất lượng cũng như quy mô nuôi trồng rong biển tại nước ta trong thời gian tới.

Về phương pháp trồng rong biển tăng năng suất và hướng đến canh tác xa bờ, ông Bền cho hay, từ rất lâu, trồng và chế biến rong biển là một ngành rất phổ biến, phát triển, mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, …Và Việt Nam hoàn toàn có những thế mạnh để phát triển ngành nuôi trồng rong biển này để mang tới nguồn thu thập lớn – ông Bền nhấn mạnh.

Đã đến lúc vươn khơi, biến tiềm năng thành giá trị

Nuôi biển có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Trước bài toán khó mà chúng ta đang gặp phải, để tiếp tục đứng vững, hội nhập với xu thế toàn cầu thì chiến lược phát triển nuôi biển bền vững – Vươn khơi, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ là hướng đi tất yếu trong tương lai đặt ra với ngành nuôi biển Việt.

Tại hội thảo “Phát triển nuôi biển công nghiệp bền vững năm 2019” tổ chức ngày 08/08/ 2019 tại Hải Phòng, PGS TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cũng đã nhấn mạnh, cần nghiêm túc xem xét nuôi biển như lĩnh vực đột phá trong tương lai. Việt Nam cần đẩy mạnh nuôi biển xa bờ trong thời gian tới để bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới, đồng thời tạo ra những đột phá kinh tế. Phát triển theo hướng bền vững nuôi biển công nghiệp vùng xa bờ sẽ là chiến lược dài hơi đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đánh giá khách quan, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi biển, đường bờ biển dài 3260km, khu đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km² cùng nhiều đảo, vùng vịnh. Biển thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, ôn hòa đáp ứng được các ngưỡng giới hạn về độ sâu, tốc độ dòng chảy và có tính đa dạng sinh học cao. Vì thế việc tổ chức đẩy mạnh nuôi biển xa bờ là hoàn toàn khả thi và có triển vọng lớn.

Để thực hiện tốt chiến lược, cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác và nuôi biển; Cần có cách tiếp cận với tài nguyên biển một cách thân thiện; Tuyệt đối tránh các hoạt động khai thác tự phát, không đảm bảo làm ảnh hưởng xấu  đến thiên nhiên, tài nguyên biển; Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động khai thác có quy hoạch và đẩy mạnh hoạt động nuôi biển để tái tạo nguồn tài nguyên, tạo nên những chuỗi giá trị khép kín, lâu dài, ổn định và tuần hoàn phục vụ cho phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.

Dù hiện tại còn nhiều thách thức, nhưng có thể lạc quan bởi tiềm năng biển nuôi biển Việt Nam là rất lớn; chiến lược phát triển bền vững nuôi biển sẽ giúp cận gần hơn với tiềm năng rộng mở của biển cả, kết tạo giá trị, tạo ra những đột phá kinh tế trong tương lai. 

LƯƠNG THẢO

Tin mới nhất

T6,22/11/2024