Cảnh báo nuôi tôm mùa mưa lũ và các biện pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại

[Người Nuôi Tôm]Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo tổng lượng mưa năm nay sẽ nhiều hơn so với năm 2020 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7, 9 và từ tháng 10-12/2021 ở khu vực Trung Bộ. Đồng thời, các hiện tượng thời tiết, khí hậu dự báo sẽ có những biến đống mạnh, cần đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ.

Dự báo trong năm 2021, số lượng áp thấp nhiệt đới và bão sẽ tương đương với năm 2020 – Ảnh minh họa: Gavin Liang

 

Bão lũ tác động trực tiếp đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong mùa mưa lũ thường xuất hiện những cơn mưa lớn và kéo dài làm thay đổi các yếu tố thủy, lý, hóa môi trường nuôi theo chiều hướng xấu. Những sự thay đổi này làm động vật thủy sản giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh có sẵn trong nước như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh và giảm hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, mưa lũ còn phá hủy các công trình nuôi trồng như bờ ao, lồng bè, đăng chắn… từ đó gây thất thoát vật nuôi ra ngoài môi trường.

Để bảo vệ các đối tượng nuôi, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản miền Bắc (Viện nuôi trồng thủy sản I) đã đưa ra các biện pháp sau:

Tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát sản phẩm, nhất là khu vực nuôi tôm trên cát, trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão từ biển đổ vào. Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.

Khi xảy ra mưa lũ, độ mặn của nước trong ao nuôi sẽ biến động rất mạnh. Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi cần có kế hoạch điều tiết nước: Trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao, để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa, nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cửa của cống thoát.

Đối với vùng nuôi đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ ao trước khi mưa phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.

Bước vào mùa lũ, các thông số môi trường sẽ có sự biến động lớn làm cho tôm yếu, giảm sức đề kháng. Do đó, các cơ sở nuôi cần có các biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm định kỳ 10-15 ngày/ đợt, mỗi đợt từ 5-7 ngày.

Bên cạnh đó, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để kịp có biện pháp xử lý kịp thời. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất. Tiến hành thu hoạch tôm nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm và không nên thả giống ở thời điểm mưa lũ.

Tú Linh

Tin mới nhất

T6,22/11/2024