Cà Mau nỗ lực bảo vệ môi trường trong nuôi tôm công nghiệp

Tỉnh Cà Mau xác định, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó con tôm là chủ lực. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, tuy đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản nhưng phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh chú trọng thực hiện nhiều giải pháp trong xử lý nước thải ra tại các ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh với phương châm “phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường”.


Mô hình nuôi tôm công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân tại huyện Đầm Dơi.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh đạt 1.165,4 triệu USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 960,2 triệu USD, bằng 89,7% kế hoạch, tăng 14,9% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi tôm đạt 183.707 tấn, bằng 83,5% kế hoạch, tăng 7% so cùng kỳ. Diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh cả tỉnh là 6.318,1 ha/7.899 hộ, bằng 80% kế hoạch, diện tích đang thả nuôi 74%, đây được xem là nguồn tôm nguyên liệu dồi dào. Mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đang ngày càng chứng tỏ được hiệu quả và giá trị kinh tế, được người dân áp dụng rộng rãi.

Những năm gần đây, Cà Mau đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái các hệ sinh thái ngày càng gia tăng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, một trong những nguyên nhân chính là nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch trong một thời gian dài, cơ sở hạ tầng yếu kém,việc xả thải trực tiếp của nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh… Điều này đã dẫn đến chất lượng môi trường nước biển và nước trong sông rạch nội địa suy giảm do ô nhiễm. Theo kết quả quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, NO2, phốt pho cao hơn tiêu chuẩn cho phép), có sự xuất hiện các thành phần độc hại như: H2S, NH3+ và chỉ tiêu vi khuẩn Vibrio tổng số xuất hiện rất cao. Đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường còn để lại hậu quả và thiệt hại kéo dài đối với các ao nuôi mà nền đáy ao bị ô nhiễm nặng.

Người dân ngày càng chú trọng và thực hiện theo quy trình xử lý nước trong nuôi tôm siêu thâm canh.

Trước tình hình đó, các ngành, các cấp trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn, tuyên truyền và hỗ trợ các hộ nuôi thực hiện đúng quy trình xử lý, xả thải nước trong các ao nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Huyện Đầm Dơi, là một trong những địa phương có diện tích lớn nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Toàn huyện có 1.415ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Trong đó, Tân Dân là một trong những xã thực hiện tốt việc xử lý nước trong nuôi tôm siêu thâm canh. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Tân Dân đã chỉ đạo các ấp rà soát các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Qua rà soát, đa số người dân thực hiện tốt và đúng quy trình theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về xử lý nước thải trong các ao nuôi. Ngoài ra, UBND xã đã thành lập tổ môi trường và các thành viên trực tiếp xuống từng hộ dân, thường xuyên kiểm tra theo định kỳ mỗi tuần 2 lần/hộ. Trong quá trình kiểm tra nếu hộ nào chưa làm tốt sẽ đôn đốc, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Anh Quách Thanh Út, ấp Tân Phú, xã Tân Dân cho biết: “Trước khi nuôi tôm theo hình thức công nghiệp chúng tôi đều phải đăng ký và được cán bộ xã hướng dẫn quy trình rất rõ ràng. Đầm tôm của gia đình tôi đã được thực hiện cơ bản quy trình xử lý nước theo quy định, tôi còn làm các hồ để lắng, lọc cặn thức ăn, tạp chất thừa bằng lưới mành qua nhiều lớp trước khi xử lý. Nước sau khi xử lý, tôi xả vào vuông nuôi tôm quảng canh ở phía sau, ít khi xả ra sông. Nếu có xả ra sông thì nước đảm bảo đã sạch và không ảnh hưởng môi trường”.

Chú Phạm Thành Lập, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân cho biết: “Nước thải ra sẽ qua quy trình xi-phông để hút và loại bỏ chất thải, vỏ tôm, thức ăn thừa,… ra hố rồi mới thải ra ao chứa. Khi nước thật sự trong, hết tạp chất và mùi hôi tôi mới xả ra sông. Phần chất thải, vỏ tôm, thức ăn thừa tôi đang ủ lại làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Sắp tới, tôi dự định sẽ làm hầm biogas đối với những tạp chất thừa đó”.

Ao xử lý nước thải được trang bị nhiều lớp lưới để lắng, lọc loại bỏ hết tạp chất trước khi xử lý và xả ra ngoài.

Anh Nguyễn Chí Hào, công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng, môi trường xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi cho biết: “Trên địa bàn xã, đa số bà con nuôi tôm thực hiện tốt việc xử lý nước thải. Nhiều hộ xử lý nước thải nuôi tôm siêu thâm canh dựa trên phương pháp ao sinh học kết hợp ao lắng và hầm biogas. Cụ thể, hệ thống bao gồm bồn lắng (thay cho ao lắng) để lắng chất lơ lửng, hầm biogas để xử lý bùn lắng từ nước xi phông. Riêng chuỗi ao sinh học gồm: 02 ao sinh học và 01 ao khử trùng để xử lý nước thay và các loại nước thải khác như nước xi phông đã tách bùn, nước thải từ hầm biogas… một số hộ nuôi khác còn thực hiện quy trình tuần hoàn khép kín”.

“Việc xử lý nước xả thải của các hộ nuôi tôm được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Trong quá trình nuôi tôm công nghiệp, các hộ dân phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện theo Luật Thủy sản và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trong tỉnh. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo và triển khai đến các xã và hầu hết các hộ nuôi về quy trình và thực hiện nghiêm việc xử lý nước xả thải. Huyện đã hình thành 2 tổ môi trường và tiến hành kiểm tra định kỳ hàng tháng tại các xã. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với huyện tổ chức các đoàn kiểm tra, nhất là việc xả thải và an toàn về điện. Qua kiểm tra vẫn còn một số hộ thực hiện chưa thật sự đảm bảo theo đúng quy định. Khi đó, sẽ giao lại cho Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm tái kiểm tra, thường xuyên theo dõi, quản lý, giám sát, buộc các hộ phải khắc phục việc xử lý nước xả thải đúng theo quy định”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi Huỳnh Nhật Trường, cho biết.

Tại Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND ngày 06/07/2021 của UBND tỉnh Cà Mau về Ban hành quy định về sên vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nêu: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nâng cao nhận thức pháp luật về thủy sản, giống vật nuôi, tiêu chuẩn ngành và các quy định khác có liên quan… Chỉ đạo các lực lượng quản lý chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản, quản lý bảo vệ rừng, thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trông thủy sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường…”. Đã qua cùng với sự quyết liệt và giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành thì ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường là rất cần thiết, nếu môi trường bị nước bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là đối với nghề nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh của bà con nông dân trong tỉnh.

Bích Ngọc

Nguồn: Camau.gov.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024