Ảnh hưởng của công nghệ copefloc đến chất lượng an toàn sản phẩm tôm thẻ chân trắng

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của công nghệ Copefloc đến chất lượng an toàn sản phẩm tôm chân trắng thương phẩm. Kết quả cho thấy, công nghệ Copefloc không ảnh hưởng đến chất lượng an toàn sản phẩm tôm thẻ chân trắng về dư lượng các hóa chất, kháng sinh độc hại. Tôm thẻ chân trắng không chứa dư lượng Chloramphenicol, các chất chuyển hóa của Nitrofuran và Malachite Green.

 

Ảnh minh họa: ST

 

Công nghệ Copefloc không ảnh hưởng đến chất lượng an toàn sản phẩm tôm thẻ chân trắng về hàm lượng Pb, Hg nhưng lại ảnh hưởng đến hàm lượng As, Cd. Ứng dụng công nghệ nuôi Copefloc tạo ra sản phẩm tôm chân trắng thương phẩm chứa hàm lượng kim loại nặng As (0,62 µg/kg), Cd (0,06 µg/kg) thấp hơn công nghệ nuôi thông thường (As, Cd trung bình lần lượt là 1,49; 0,28 µg/kg).

Công nghệ Copefloc không ảnh hưởng đến mật độ Salmonella spp (0/25 g thịt tôm) và Staphylococcus spp  (0,25 x 102 – 0,27 x 102 cfu/g), nhưng lại ảnh hưởng đến mật độ tế bào vi khuẩn hiếu khí tổng số và mật độ E. coli trong 1 g thịt tôm thương phẩm. Ứng dụng công nghệ Copefloc cho sản phẩm tôm thương phẩm nhiễm vi khuẩn tổng số (4,98 x 104 cfu/g) và E. coli (0,12 x 102 cfu/g) thấp hơn công nghệ nuôi thông thường (vi khuẩn tổng số và E. coli lần lượt là 14,87 x 104; 2,36 x 102 cfu/g).

Sản phẩm tôm thẻ chân trắng nuôi ứng dụng công nghệ Copefloc đạt chất lượng an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng và vi sinh theo quy định hiện hành. Đối với sản phẩm tôm thẻ chân trắng nuôi thông thường, đạt chất lượng an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh, vi khuẩn tổng số, Salmonella, Staphylococcucs theo quy định hiện hành; chưa đạt yêu cầu an toàn thực phẩm về vi khuẩn tổng số (theo quy định của EU) và E. coli (theo quy định tại Việt Nam và trên thế giới).

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Biên Thùy, Trần Thị Nguyệt Minh, Lê Văn Khôi thực hiện.

Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2/2021