An Giang: Tập trung phát triển sản phẩm thủy sản chủ lực

An Giang là một trong những tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó sản phẩm lúa gạo và thủy sản là những mặt hàng chiến lược của tỉnh, đang ngày càng mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, cá tra phi-lê xuất khẩu là một trong những tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 1.049ha vùng nuôi thủy sản của doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi liên kết DN, chiếm 85% diện tích nuôi cá tra thương phẩm. Đã chứng nhận vùng và DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với 2 DN nuôi trồng thủy sản với diện tích 254,63ha, gồm: Vùng ươm giống tập trung Công ty Cổ phần cá tra Việt – Úc (104,63ha); vùng ươm giống tập trung Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (150ha). Qua đó, không chỉ góp phần đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất quy mô lớn, mà còn định hướng xuất khẩu thủy sản bền vững cho các DN. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thu hoạch cá tra hơn 379.000 tấn, các loại cá khác hơn 72.500 tấn, tôm càng xanh thu hoạch 22,2 tấn, sản xuất 1,6 tỷ con giống cá tra…

Để phát triển ngành hàng thủy sản bền vững, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực để phát triển ngành hàng thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh trong giai đoạn tới. Phát triển thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa và gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sản bền vững. Đẩy mạnh phát triển thủy sản từ chiều rộng sang chiều sâu với việc ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất thủy sản nội địa và xuất khẩu. Tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp – thủy sản đảm bảo hiệu quả, an sinh xã hội, nhiều việc làm và thu nhập cho lực lượng lao động trong ngành hàng thủy sản tương đương mức lao động bình quân chung cả nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 5%/năm. Phát triển diện tích nuôi thủy sản 3.500ha, trong đó diện tích nuôi cá tra xuất khẩu 1.550ha, diện tích nuôi tôm càng xanh 1.500ha, tổng thể tích nuôi cá lồng bè đạt hơn 1,057 triệu m3. Tổng sản lượng thủy 621.180 tấn/năm, trong đó sản lượng cá tra 482.755 tấn/năm, sản lượng tôm càng xanh 1.500 tấn/năm, cá rô phi, điêu hồng 34.000 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản nội địa duy trì mức 15.000 tấn/năm. Thành lập ít nhất 2 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa cấp tỉnh kết hợp phát triển du lịch. Xây dựng từ 3-5 khu lưu trú nhân tạo cho các loại thủy sản tự nhiên nội địa tại các hệ sinh thái thủy vực tự nhiên.

Đến năm 2030, các vùng nuôi thủy sản chủ lực đều được đăng ký mã số nuôi trồng và 80% được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, ASC, BAP…). Phát triển vùng nuôi thủy sản sinh thái, nuôi hữu cơ, nuôi lồng bè, nuôi kết hợp. Phát triển nuôi trồng thủy sản mục đích làm cảnh, giải trí ở các thành phố, khu đô thị, khu du lịch. Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với các hoạt động giáo dục, du lịch, tham quan. Phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 500 triệu USD, tăng gấp 2 lần giá trị kim ngạch so năm 2020. Tiến tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thủy sản chủ lực và đặc thù của tỉnh đáp ứng yêu cầu hội nhập thương mại quốc tế. Đến năm 2045, tỉnh phấn đấu phát triển kinh tế ngành hàng thủy sản giữ vai trò trọng tâm trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất thủy sản, giao dịch thương mại điện tử.


Chế biến cá tra xuất khẩu

Để thực hiện hiệu quả, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh sẽ tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển ngành hàng thủy sản, đồng thời nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi cá thương phẩm. Triển khai có hiệu quả Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang. Phát triển hệ thống cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh, các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế. Phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến đối tượng chủ lực, kinh tế của tỉnh (cá tra, tôm càng xanh) theo mô hình liên kết chuỗi có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ.

Điểm mấu chốt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu cá tra; tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định EVFTA, CPTPP… để mở rộng phát triển giao thương, xuất khẩu ngành cá tra và các đối tượng thủy sản tiềm năng của tỉnh. Phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm đặc thù của tỉnh. Tổ chức quảng bá, phân phối sản phẩm thủy sản qua hệ thống OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), siêu thị Mega Market, Co.opmart, Vin-Mart, cửa hàng Bách Hóa Xanh…

Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thủy sản được ưu tiên. Đặc biệt là 9 chương trình, đề án, dự án ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021-2030, gồm: Đề án bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nội địa; đề án phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu; đề án phát triển chế biến thủy sản; đề án phát triển khoa học, công nghệ ngành hàng thủy sản; dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản (bao gồm sản xuất giống) theo liên kết chuỗi giá trị…

(Theo báo An Giang)