Mô hình nuôi tôm TLSS: Giải pháp quản lý trong mùa mưa

[Người Nuôi Tôm] – Hàng năm, người nuôi tôm ở Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng thường phải hứng chịu nhiều thiệt hại khi mùa mưa tới. Khi vào mùa mưa, lượng nước mưa lớn vào các ao nuôi tôm làm các chỉ tiêu môi trường thay đổi đột ngột theo hướng xấu đi, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, qua đó gây thất thoát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế của cả vụ nuôi. Hiểu được vấn đề đó, qua 5 năm thực hiện mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn TLSS (Thang Long Smart System) với những kinh nghiệm có được chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi khuyến cáo đưa ra một số giải pháp và phương án xử lý tới bà con nuôi tôm để có những vụ nuôi tôm tối ưu nhất.

 

Quản lý tốt các yếu tố thủy lý thủy hóa môi trường ao giúp đảm bảo sức khỏe tôm nuôi trong mùa mưa

 

Quản lý các yếu tố thủy lý thủy hóa môi trường ao nuôi

Chất lượng nước tốt là điều kiện môi trường cần thiết để duy trì sự sống và tăng trưởng của tôm. Với các mục tiêu, kế hoạch sản xuất được đặt ra ở quy mô cao khiến việc duy trì chất lượng môi trường ổn định trở nên quan trọng hơn đối với người nuôi tôm. Trong nhiều thông số của chất lượng nước, có bốn thông số vật lý cần thiết và quan trọng cho tôm: nhiệt độ, DO, độ mặn và pH sẽ phản ánh điều kiện ao nuôi tôm liệu có tốt hay không, việc thay đổi đột ngột các thông số này đều có thể gây tác động không tốt cho vật nuôi.

Nhiệt độ: yếu tố này ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, mức độ tiêu thụ oxy, chu kỳ lột xác và khả năng miễn dịch của tôm. Đây là yếu tố then chốt quyết định tốc độ của các phản ứng sinh hóa, cả trong môi trường và trên cơ thể tôm. Trong điều kiện mưa lớn kéo dài sẽ xảy ra tình trạng phân tầng nhiệt độ, điều này sẽ khiến tôm có hiện tượng di chuyển về các khu vực có nhiệt độ, độ mặn cao hơn, dẫn đến mật độ tôm tăng đáng kể và mang tính cục bộ ở một số khu vực ao sâu, khiến cho lượng oxy hòa tan ở đó bị suy giảm.

Nhiệt độ lý tưởng cho tôm thẻ chân trắng phát triển là 28 – 32°C. Tuy nhiên, khi mùa mưa kéo dài sẽ làm cho nhiệt độ nước trong ao nuôi giảm xuống từ 3 – 5 ̊C. Khi nhiệt độ giảm xuống dưới 26°C sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất của tôm và làm giảm khả năng bắt mồi. Khả năng miễn dịch của tôm cũng sẽ bị ảnh hưởng, khiến tôm dễ mắc bệnh hơn. Do đó, để hạn chế nhiệt độ nước không bị biến động nhiều trong thời tiết mưa kéo dài thì bà con cần phải bật quạt đảo nước liên tục, ngoài ra có thể sử dụng các biện pháp cơ học như lọc tuần hoàn, hoặc xả bớt nước tầng mặt để hạn chế hiện trạng phân tầng nhiệt.

Oxy hòa tan (DO) đóng vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp của các sinh vật dưới nước (tôm, sinh vật phù du, vi sinh vật) và bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đặc biệt là trong mùa mưa. Cần phải chú ý đến DO thấp vì nó bị hấp thụ do lượng lớn vi sinh vật phân hủy trong ao nuôi, các quá trình phân giải sinh học liên quan đến vi khuẩn như chu trình nitơ, phosphate và carbon đều cần oxy. Sinh khối tôm ngày một cao hơn sẽ khiến DO suy giảm, đặc biệt là vào ban đêm khi thực vật phù du không còn khả năng sản xuất oxy. Trong điều kiện này, hầu hết oxy trong ao phụ thuộc vào chúng, nhưng nguồn cung sẽ không đủ do thiếu quang hợp, đặc biệt trong những ngày mưa dài, làm giảm ánh sáng mặt trời cần thiết. Do đó, cần tăng cường bật quạt nước hoặc máy sục khí oxy đáy để tăng nguồn cung cấp oxy, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái trong ao nuôi được hô hấp và phát triển. Ngoài ra, có thể cải thiện tình trạng DO thấp bằng cách loại bỏ các nguồn phát sinh hữu cơ trong ao qua việc lắp đặt hệ thống siphon tự động, thay nước để giảm tích tụ chất thải hoặc sử dụng các sản phẩm chế phẩm sinh học định kỳ.

Độ pH ảnh hưởng đến các phản ứng hóa học trong ao. Nó cũng ảnh hưởng đến độc tính của các loại khí độc (NH3 và H2S). Trong thời tiết mưa lớn, dài ngày, chỉ số pH sẽ bị giảm thấp, điều này làm cho tốc độ tăng trưởng tôm bị chậm lại, tôm sẽ giảm cảm giác thèm ăn, dễ mắc bệnh và căng thẳng (stress) hơn. Độ pH cần được duy trì ở mức ổn định để tránh ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và điều kiện sinh lý của tôm. Độ pH lý tưởng nhất cho các trang trại nuôi tôm là 7,8 – 8,5. Ngoài ra, chúng ta cần phải lưu ý thêm chỉ số kiềm, tránh tình trạng độ kiềm giảm đột ngột sẽ kéo theo chỉ số pH mất ổn định, từ đó ảnh hưởng nhiều đến quá trình lột xác của tôm. Để đảm bảo pH ổn định trong mùa mưa cần cung cấp thêm hệ đệm cho nước thông qua việc bổ sung thêm vôi, kiềm bằng sản phẩm La Hotlime, La Calcium, La – Alka (tham khảo chi tiết ở phần bên dưới).

Độ mặn được định nghĩa là tổng số ion clorua có thể hòa tan trong nước. Tôm thẻ chân trắng có thể thích nghi với phạm vi độ mặn rộng, từ 5 – 40 ppt, tuy nhiên phạm vi lý tưởng nhất là 15 – 25 ppt. Chúng cũng có thể thích nghi với việc độ mặn giảm dần, nhưng khi độ mặn giảm sâu và có độ dao động hơn 5 ppt thì có thể gây stress trên tôm. Khi độ mặn giảm do thời tiết mưa kéo dài nước trở nên đục, sinh vật phù du sẽ chết kéo theo hàm lượng DO giảm thấp. Hơn nữa, việc độ mặn suy giảm do nước mưa pha loãng sẽ khiến môi trường thiếu khoáng chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lột xác ở tôm. Do đó, khi lựa chọn trang trại nuôi cần xác định độ mặn nguồn nước và xây dựng kế hoạch nuôi cho phù hợp với từng giai đoạn. Chẳng hạn, trong mùa mưa, nên chủ động giảm mật độ nuôi so với mùa khô để đảm bảo sức khỏe và phát triển của tôm.

 

Giải pháp xử ý trong ao nuôi

Xác định mật độ nuôi phù hợp

Mật độ thả giống nên được điều chỉnh theo sức tải của môi trường ao nuôi. Thả tôm ở mật độ quá cao có thể gây ra tình trạng căng thẳng, vì tôm cần cạnh tranh với nhau để giành thức ăn và không gian di chuyển. Khi tôm lớn hơn, sinh khối vật nuôi trong ao tăng cao có thể khiến cho môi trường bị quá tải, do đó bà con cần tính đến các phương án thu hoạch một phần hoặc san thưa mật độ tôm để duy trì sức tải phù hợp với điều kiện ao nuôi ở mỗi giai đoạn. Mật độ nuôi phù hợp trong mô hình TLSS khuyến cáo đến quý bà con nuôi trong mùa mưa như sau:

Mật độ tôm ương gièo: 800 – 1.000 con/m2, nên ương tôm trong các ao có diện tích từ 300 m2 trở lên. Ao ương nên có hệ thống mái che.

Mật độ tôm nuôi thương phẩm: 100 – 140 con/m2, nên nuôi tôm trong các ao có diện tích từ 1.000 m2.

 

Bổ sung dinh dưỡng tăng đề kháng

Mưa lớn sẽ kéo theo một loạt các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, tôm dễ bị stress, giảm khả năng bắt mồi dẫn tới giảm khả năng tiêu hoá, hấp thu dinh dưỡng của tôm. Do đó, trong những ngày mưa, bà con nên chủ động giảm lượng thức ăn, hạn chế cho tôm ăn trong thời tiết mưa lớn, đồng thời bổ sung dinh dưỡng để hỗ trợ tăng khả năng tiêu hóa và hệ miễn dịch cho tôm bằng các sản phẩm của Công ty TNHH Quốc Tế Long Thăng: La Liver (5 gr/kg), La Yaku (5 ml/ kg), La Enzy (5 gr/kg), La Vienin (5 – 10 ml/kg). Ngoài ra, bà con cần bật quạt đảo nước liên tục, tăng cường sục khí oxy đáy để hạn chế tình trạng phân tầng nhiệt độ và tăng lượng DO trong nước ao nuôi.

 

Duy trì ổn định chất lượng nước

Chất lượng nước trong ao nuôi phải luôn được duy trì, giữ các thông số ở mức lý tưởng cho tôm. Mưa lớn kéo dài sẽ làm cho chất lượng nước bị suy giảm. Bà con cần theo dõi các chỉ tiêu môi trường thường xuyên và thực hiện các điều chỉnh cần thiết để tạo cho tôm có môi trường tối ưu nhất.

Sử dụng 5 – 10 kg vôi nóng La Hotlime + 5 – 10 kg vôi La-Calcium, hòa tan lấy nước trong rồi tạt để nâng chỉ số pH (liều sử dụng cho 1.000 m3 nước). Cần chủ động sử dụng sản phẩm ngay trước khi có mưa để đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Sử dụng 5 kg La-Alka + 15 kg vôi La-Calcium, hòa tan lấy nước trong rồi tạt để nâng chỉ số kiềm (liều sử dụng cho 1.000 m3 nước).

 

Chế phẩm vi sinh làm sạch ao nuôi

Các lợi khuẩn được bổ sung giúp cạnh tranh dinh dưỡng và môi trường sống với các vi sinh vật có hại. Sự sinh trưởng và phát triển của các nhóm lợi khuẩn Rhodopseudomonas spp, Bacillus spp… sẽ giúp phân huỷ mùn bã hữu cơ, hấp thu các loại khí độc làm sạch môi trường nước ao nuôi. Điều này gián tiếp nâng cao khả năng miễn dịch của tôm, giúp chúng chống lại các tác nhân bất lợi một cách hiệu quả hơn.

Xử lý khí độc và bổ sung lợi khuẩn nhằm ổn định môi trường có thể thực hiện thông qua các chế phẩm sinh học cụ thể như sau:

Sử dụng 7 lít La-Nutri + 10 kg La-Zeo. Trộn đều rồi tạt vào ban đêm để tăng cường hấp thu khí độc: NH3, NO2, H2S (liều lượng dùng cho 1.000 m3 nước).

Sử dụng 0,5 kg La-Bio (hoặc La-Bioplus) + 500 gam La-Alke +3 kg mật rỉ đường hoà tan với 40–50 lít nước, sục khí 12–24h rồi tạt vào ban đêm để tăng cường hấp thu khí độc và giảm mật độ tảo. Nếu muốn gây màu nước thì tạt vào buổi sáng lúc 8 – 9h (liều lượng dùng cho 1.000 m3 nước).

Nhìn chung, mùa mưa mang lại rất nhiều yếu tố bất lợi như: lượng ánh sáng mặt trời thấp tại các ao làm giảm khả năng quang hợp của tảo, làm giảm nhiệt độ, oxy, pH, độ kiềm và độ mặn. Những biến động này khiến sức đề kháng của tôm suy yếu, trong khi các tác nhân gây hại lại gia tăng. Vì vậy, bà con nên chủ động sử dụng các biện pháp tổng hợp để quản lý môi trường ngay từ sớm, đồng thời nâng cao sức khỏe cho tôm để có những đàn tôm khoẻ mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyên viên kỹ thuật

Hà Thúc Khoa