Nuôi tôm trong điều kiện mưa lũ: Bí quyết thành công

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Mưa bão, lũ lụt thường xuyên xảy ra khiến việc nuôi tôm nước lợ tại các địa phương gặp nhiều rủi ro. Trước tình hình đó, người nuôi cần tìm kiếm các giải pháp thích ứng với biến đổi thời tiết để phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thiết kế xây dựng trại nuôi, ao nuôi, chăm sóc quản lý môi trường

Thời tiết bước vào mùa mưa lũ là một thách thức không nhỏ đối với người nuôi tôm. Hiện tượng mưa lớn kéo dài làm môi trường ao nuôi biến động, mầm bệnh có cơ hội lây lan và xâm nhập gây khó khăn cho sinh trưởng và phát triển của tôm. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng nước, sức khoẻ tôm và thậm chí có thể dẫn đến tôm chết hàng loạt.

Bên cạnh những yếu tố thay đổi thời tiết và dịch bệnh trong mùa mưa, người nuôi còn đối mặt với nhiều rủi ro khác như: rối loạn thức ăn trong ao; giảm lượng thức ăn tự nhiên; mực nước tăng đột ngột gây thất thoát lượng lớn tôm trong ao; thiệt hại về cơ sở hạ tầng như phá huỷ hệ thống chống tràn, bơm nước và cơ sở nuôi.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của mưa lũ tới người nuôi, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, tập huấn nâng cao kỹ thuật nuôi tôm, đặc biệt là mùa mưa lũ nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi, nâng cao năng suất trong thời điểm này.

Đồng bộ các giải pháp để thích ứng

Chủ động đối phó và có biện pháp phòng ngừa thích hợp trong giai đoạn mưa lũ, đặc biệt là các hộ nuôi thâm canh, siêu thâm canh, người nuôi cần lưu ý thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thiết kế xây dựng trại nuôi, ao nuôi, chăm sóc quản lý môi trường.

Về cơ sở hạ tầng và ao nuôi: Cần xây dựng trại nuôi ở khu vực đất có địa thế cao, thoáng, có hệ thống kênh mương thoát nước tốt. Thành ao được xây dựng hoặc gia cố cao hơn so với lối đi. Ao cần được lót bạt HDPE để tăng độ bền và chống thoát nước ra ngoài môi trường. Nên thiết kế, xây dựng ao với hệ thống mái che bằng nhà lưới hoặc nilong để giảm thiểu tối đa tác động của mưa lớn vào ao nuôi.

Xây dựng các ao lắng lọc, ao chứa nước để kịp thời cung cấp nước cho ao nuôi tôm. Trước mỗi mùa mưa lũ, người nuôi cần kiểm tra, gia cố bờ bao và hệ thống cống chắc chắn, tránh trường hợp sạt lở. Vệ sinh kênh thoát nước đảm bảo thông thoáng khi mưa có lượng nước nhiều, kịp thời xả tràn nhằm hạn chế thất thoát tôm nuôi.

Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống mái che và lưới che, tránh tác động trực tiếp đến sức khoẻ tôm nuôi. Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ, phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao hoặc vùng nuôi. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng điện lưới bị mất.

Về con giống: Lựa chọn con giống khoẻ mạnh đáp ứng theo quy chuẩn Việt Nam, giống tôm thẻ chân trắng có chiều dài thân từ mỗi chuỷ đến chóp đuôi 9-11mm, số cá thể khác cỡ chiếm không quá 10%. Tuân thủ đúng lịch thời vụ thả giống, hạn chế thả giống vào đầu mùa mưa. Không nên thả giống với mật độ cao và thả giống gối vụ trong thời điểm này. Đảm bảo thả đúng mật độ theo từng hình thức nuôi. Thả tôm thẻ chân trắng từ 80-100 con/m2 đối với nuôi thâm canh, 120-150 con/m2 vùng nuôi hạ tầng tốt và thả tôm 200-250 con/m2 nuôi siêu thâm canh.

Khi mưa lớn, các chỉ số môi trường nước trong ao nuôi thay đổi đột ngột, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ tôm. Để tránh việc tôm sốc môi trường và sốc nhiệt độ, người nuôi cần thường xuyên theo dõi sự biến động của môi trường nước ao nuôi đặc biệt là sau những cơn mưa.

+ Thường xuyên kiểm tra độ pH trước và sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời, duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5-8,5 và dao động giữa buổi sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị.

+ Độ kiềm thích hợp cho tôm nuôi từ 80-160 mg/l. Nếu độ kiềm thấp, sử dụng vôi Dolomite liều lượng 20-30 kg/1.000m3.

+ Đối với những ao có mực nước thấp, chất lượng nước sẽ biến động lớn sau những cơn mưa lớn. Vì vậy, người nuôi cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,3-1,5m. Ngoài ra, khi mưa lớn, cần tăng cường quạt nước làm xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao, hạn chế tác động xấu đến tôm nuôi.

Trong khi nuôi, thường xuyên kiểm tra ao nuôi để kịp thời phát hiện những biểu hiện nhiễm bệnh, hoạt động bất thường đối với tôm nuôi. Thông qua việc cho ăn, bổ sung một số dưỡng chất cần thiết để tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho tôm chống chịu lại thời tiết bất thường. Đặc biệt, hỗ trợ sức đề kháng của tôm trong điều kiện độ mặn thấp.

Hiệu quả từ mô hình nuôi ứng phó mùa mưa lũ

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nôngKhuyến ngư Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn trong ao lót bạt cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai bão lũ với quy mô 1 ha ở 4 hộ nuôi tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh. Bước đầu, mô hình đã đạt được những kết quả đáng kể,…

Trước đây, ông Hà Quang Hải (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, song rủi ro khá cao, đặc biệt là vào mùa mưa. Năm 2023, được sự hỗ trợ của trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, ông Hải đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn (áp dụng các giải pháp công nghệ, xây dựng bể nổi, lót bạt nền ao, lắp đặt hệ thống mái che, máy sục khí, quạt…) nhờ đó, việc nuôi tôm thuận lợi hơn trước rất nhiều, việc ứng phó với mưa lũ cũng chủ động hơn, có thể tính toán để tăng vụ nuôi, tăng thêm thu nhập. Kết quả vụ nuôi vừa qua năng suất bình quân trên 13 tấn, trừ chi phí, gia đình ông mang lại thu nhập khoảng 140 triệu đồng.

“Chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn trong lót bạt như thế này an toàn hơn và nâng được số vụ trong năm lên, nuôi tôm hai giai đoạn làm rủi ro về thời tiết giảm tối đa và kết quả thu được cũng ổn định hơn trước rất nhiều”, ông Hải chia sẻ.

Còn theo ông Hà Quang Nghĩa, cũng là hộ thực hiện mô hình, nếu nuôi theo truyền thống thì gặp rủi ro rất lớn từ dịch bệnh và nguồn nước đầu vào, nhất là trong mùa mưa. Nhưng với mô hình nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn sẽ cải tiến, đặc biệt gia đoạn ương, giúp kiểm soát tốt môi trường nuôi, loại bỏ phần lớn các yếu tố nguy cơ về dịch bệnh, giúp an toàn khi nuôi và giảm rủi ro.

Qua thực tiễn sản xuất, những giải pháp trên đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nuôi tôm, giúp người nuôi vượt qua những khó khăn thách thức trong mùa mưa lũ. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục có những giải pháp nhân rộng mô hình này tạo sinh kế bền vững cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng khu vực. Bên cạnh đó, xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi tôm mùa mưa lũ, nâng cao năng lực, chủ động phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho người nuôi.

Bảo Châu

Tin mới nhất

T5,21/11/2024