Bạc Liêu tập trung cho ngành tôm và các biện pháp chống khai thác IUU

Ngày 22/2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu về việc đánh giá kết quả thực hiện, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản và xây dựng vùng, cơ sở nuôi tôm công nghệ cao, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm nước lợ tại tỉnh Bạc Liêu và công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu báo cáo với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị.

Tại buổi làm việc, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt trên 136 nghìn ha; trong đó, diện tích nuôi tôm đạt gần 133 nghìn ha. Sản lượng thủy sản xuất khẩu ước đạt 96.980,14 tấn, đạt 102% kế hoạch, tăng 17% so với năm trước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm ước đạt 1,03 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17% .

Tỉnh Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính đó là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm – chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” hướng đến tạo thương hiệu “Tôm sạch Bạc Liêu” và để nâng cao, phát triển chuỗi giá trị ngành tôm Bạc Liêu trong thời gian tới, tỉnh xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính.

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 3.900 ha: Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Các vùng nuôi theo các mô hình siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh tập trung, ứng dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu tối đa các tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở sản xuất giống và 7 cơ sở nuôi tôm thương phẩm đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Theo đó, giám sát dịch bệnh thủy sản được thực hiện hàng năm.
Thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng có nhiều biện pháp quyết liệt chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tích cực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau đợt kiểm tra của EC thanh tra lần thứ 4. Các cơ quan, lực lượng chức năng như Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh… phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác IUU và tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân nâng cao nhận thức về các quy định IUU.

Toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng số 1.018 tàu cá đã đăng ký; trong đó, tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 451 chiếc, tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15 m là 209 chiếc tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12 m là 358 chiếc. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu chuẩn bị đưa tàu, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, kiên quyết không cấp giấy rời cảng cũng như xuất bến đối với các tàu cá không đảm bảo quy định về IUU và các quy định của pháp luật khác trong lĩnh vực khai thác thủy sản; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã có các kiến nghị, đề xuất đến đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp về tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm cho tỉnh như về điện, thủy lợi, hạ tầng giao thông..; đồng thời, sớm triển khai dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A và liên vùng…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2023 vừa qua. Tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Tăng trưởng đạt mức 7,24%, đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 24 cả nước. Kim ngạch xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng đồng bộ; góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy giao thương và thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bạc Liêu phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để hướng đến trở thành tỉnh thủ phủ ngành tôm của vùng và của cả nước. Theo đó, tỉnh cần giải quyết được khâu giống là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng. Đặc biệt là xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Chanh Đa (TTXVN)

Nguồn: baotintuc.vn

 

Tin mới nhất

T6,22/11/2024