Xuất khẩu tôm sang Anh có thể tăng trưởng trên 10%/năm
Nhờ được hưởng lợi thế từ Hiệp định UKVFTA, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Vương quốc Anh giai đoạn 2022 – 2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng trung bình khoảng trên 10%/năm.

 

Thuế nhập khẩu tôm được giảm xuống 0% nhờ Hiệp định UKVFTA

Với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng tôm, đã tạo được lợi thế cạnh tranh tại thị trường này so với các đối thủ khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil,… do các nhà cung cấp này chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với Anh.

Cụ thể đối với tôm, nhờ Hiệp định UKVFTA có cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA, hầu hết các loại tôm nguyên liệu Việt Nam xuất khẩu sang Anh đều được giảm thuế nhập khẩu từ 10 – 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Để được hưởng thuế ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA, các sản phẩm thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thuần túy, tương tự với EVFTA.

Theo đó, thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo UKVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài hiệp định.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã dần thích nghi với những cam kết của Hiệp định UKVFTA và đạt được mức tăng trưởng tương đối ổn định hơn so với giai đoạn trước khi hiệp định có hiệu lực.

Nỗ lực duy trì thị phần và tập trung chế biến sâu

Tôm là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Anh của Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang Anh chiếm 76% tổng xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này, với 33,5 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu tôm cũng đang hồi phục trong năm 2022 – 2023 sau khi chững lại năm 2021 do tác động từ đại dịch. Trong 2 tháng đầu năm 2023, riêng tôm chân trắng chiếm 69% giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang Anh với 30,4 triệu USD, tăng 54%. Tôm sú chỉ chiếm 2,7% nhưng tăng gấp 6 lần cùng kỳ, cho thấy tín hiệu rất lạc quan đối với mặt hàng này tại thị trường Anh

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Anh rất lớn, thậm chí lớn hơn các thị trường đơn lẻ trong khối EU. Tuy nhiên, thời gian tới, thị trường tiêu thụ thủy sản tại Anh bị ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến thương mại hàng hóa toàn cầu. Cùng với đó, hoạt động nhập khẩu thủy sản cũng phải chịu khó khăn về chi phí, vận chuyển hàng hóa.

Còn nhiều tiềm năng xuất khẩu trong dài hạn

Theo các doanh nghiệp ngành hàng tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt trên 5 triệu tấn cho giai đoạn 2022 – 2023, tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm.

Hiện nay, tôm Việt Nam đang được duy trì vị thế khá tốt ở một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh và đang tập trung vào chế biến sâu để gia tăng giá trị, duy trì thị phần.

Dự kiến, mức tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành tôm trong giai đoạn tới có thể duy trì mức ổn định khoảng hơn 4 tỷ USD, với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Anh chiếm khoảng 3,6%.

Dự đoán này được đưa ra trong bối cảnh một số cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đang có sản lượng khá tốt và tình hình thương mại hàng hoá toàn cầu nhiều biến động.

Trong dài hạn, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp đã dần thích nghi với cam kết, yêu cầu của UKVFTA nên sẽ có thể tận dụng những ưu đãi để nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường Anh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ. Trong đó, riêng sản phẩm tôm sang Anh có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm giai đoạn 2022 – 2025.

Bình An

Nguồn: mekongasean.vn