ĐBSCL: Giá tôm thẻ giảm mạnh, người nuôi thua lỗ nặng

Gần đây, đầu ra con tôm nước lợ gặp khó khăn, giá tôm sụt giảm mạnh; trong khi đó, chi phí đầu tư tăng cao dẫn đến việc người nuôi thua lỗ nặng.

Hiện nay, giá tôm thẻ (nuôi theo mô hình công nghệ cao) tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục giảm mạnh. Giá tôm nuôi ao trải bạt loại 30 con/kg từ 134.000 -136.000 đồng/kg; nuôi ao đất 108.000 – 109.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ loại 40 con/kg nuôi ao trải bạt chỉ giá 111.000 đồng/kg, nuôi ao đất giá 108.000 đồng/kg.


Tôm thẻ đang giảm giá mạnh khiến nhiều người nuôi bị lỗ – Ảnh: Mỹ Tho

Các loại tôm nước lợ, nước mặn ở các kích cỡ đều giảm giảm sâu. So với thời điểm trước tết, giá mỗi kg tôm thẻ giá sụt giảm từ 50.000-70.0000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư để nuôi tôm công nghệ cao rất cao. Giá thức ăn, thuốc thú ý thủy sản, giá điện, nhân công tăng vọt nên nhiều ngư dân bị thua lỗ nặng.


Giá tôm từ sau tết đến nay liên tục sụt giảm – Ảnh: Mỹ Tho

Ông Nguyễn Tấn Phát, chủ hộ nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre tâm tư: “Tôm loại 30 con/kg trước đây trên 200.000 đồng/kg, loại 40 con từ 170.000 – 180.000/kg nay còn khoảng 110.000 đồng/kg. Giá tôm sụt giảm mấy tháng rồi, giảm trên 70.000 đồng/kg, giá thức ăn, giá điện tăng cao. Thời tiết nắng quá, nhiệt độ cao nên nuôi tôm không thuận lợi, mà giá tôm sụt kiểu này không có lãi. Mấy người nuôi tôm vay bằng vốn ngân hàng thì càng thua lỗ nặng”.


Người dân thu hoạch tôm nuôi – Ảnh: Mỹ Tho

Một trong những nguyên nhân làm cho giá tôm sụt giảm là do việc xuất khẩu chậm; trong khi đó diện tích nuôi tôm nước lợ, nước mặn ở vùng ĐBSCL tăng cao. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã được nhân rộng cho sản lượng tôm ngày càng lớn, dẫn đến cung vượt cầu.

Ông Ngô Minh Tuấn tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là chủ trang trại nuôi tôm công nghệ cao cho biết: “Hiện nay, chi phí đầu tư lớn hơn giá bán tôm ra nên thua lỗ nặng. Hơn nữa giá điện lại tăng 3% là áp lực lớn với người nuôi tôm công nghệ cao”.

Trong khi đó, một chủ nuôi tôm cũng ở huyện Tân Phú Đông bộc bạch: “Nuôi tôm này làm sao phải xuất khẩu bền vững người dân mới dám đầu tư, còn kiểu này khi xuất khẩu không được, ở trong nước thì tiêu thụ không được bao nhiêu. Khi cung vượt cầu giá tôm mới rẻ. Tôi đề nghị các địa phương nên quan tâm đến vấn đề xuất khẩu tôm, chứ khuyến khích mở rộng diện tích mà không giải quyết đầu ra thì tương lai sẽ rất khó khăn”.


Ao nuôi tôm thẻ – Ảnh: Mỹ Tho

Tỉnh Cà Mau đã có vùng nuôi tôm nước mặn, lợ lớn nhất cả nước, với 280.000ha. Hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu có vùng nuôi tôm nước lợ hơn 186.000ha. Đây là 2 địa phương có doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh với quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.


Lãnh đạo tỉnh Bến Tre thăm trang trại nuôi tôm thẻ – Ảnh: Mỹ Tho

Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 30% tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, năng suất, sản lượng tôm thu hoạch tăng lên gấp 2-3 lần. Tỉnh Bến Tre đã phát triển hơn 36.000ha tôm nước lợ; trong đó có trên 2.500ha tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao, đạt sản lượng trên 42.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ của tỉnh.

Có thể nói với giá tôm như hiện nay, rất khó để phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ, nước mặn ở vùng ĐBSCL, nhất là khó nhân rộng mô hình nuôi công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Kịch, một doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu tôm ở ĐBSCL cho rằng: “Ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế làm cho thủy sản của nước ta sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, giá tôm thẻ trong nước hiện nay liên tục giảm giá”.

Mỹ Tho

Nguồn: 1thegioi.vn