Bắc Giang: Thuần dưỡng tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt

Từ đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp cơ sở: “Xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm giống tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang”, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Minh Đức (Việt Yên) đã thuần dưỡng thành công tôm thẻ chân trắng – loài tôm nhiệt đới, sống ở nước mặn sang nuôi ở nước ngọt đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau gần 8 tháng triển khai thực hiện, đến nay mô hình thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã cho thấy hiệu quả, tôm thẻ chân trắng được thuần dưỡng nuôi trong môi trường nước ngọt phù hợp với điều kiện địa phương. Ông Thân Văn Tuân – Giám đốc HTX Nông nghiệp Minh Đức cho biết: “Khi mới thử nghiệm, chúng tôi khá lo lắng vì tôm vốn quen sống ở nước mặn, nước lợ, giờ chuyển sang nuôi ở nước ngọt với điều kiện thời tiết khí hậu khác biệt. Nhưng đến nay, tôm thẻ chân trắng đã thích nghi tốt ở môi trường nước ngọt, phát triển ổn định, không thua kém khi nuôi trong môi trường nước mặn. Sản lượng và giá trị tương đối cao so với đối tượng nuôi thủy sản truyền thống khác.”


Ảnh: Khu vực ao nuôi tôm của HTX Nông nghiệp Minh Đức

Thực hiện mô hình, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp Việt Yên đã tiến hành nuôi thử nghiệm 200.000 con tôm thẻ chân trắng, quy mô 2.000 m2 ao với tổng kinh phí gần 140 triệu đồng. Mô hình nuôi chia làm 2 đợt, mỗi đợt 100.000 con giống/1.000 m2 ao, đã hoàn thành đợt 1 và đang triển khai đợt 2 (từ tháng 6 – 10/2022). Kết quả cho thấy: tỷ lệ tôm sống đạt 70-80%, kích cỡ đạt 30-35 con/kg. Năng suất ước đạt khoảng 1,5 tấn/1.000 m2 , giá bán dao động khoảng 100 – 200.000 đồng/ kg tùy kích cỡ. Bên cạnh hỗ trợ 50% hệ thống máy quạt nước cung cấp oxy trong ao, 40% con giống và khoảng 20% thức ăn, Trung tâm còn thường xuyên cùng HTX kiểm tra môi trường ao nuôi, nhất là thời điểm sau trời mưa, nhiệt độ thay đổi đột ngột, lượng tảo trong ao phát triển nhiều… để đưa ra phương án xử lý kịp thời tránh rủi ro. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức hội nghị đầu bờ cho 50 người thăm quan, đánh giá kết quả mô hình nuôi thử nghiệm và hoàn thiện bản quy chuẩn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp với điều kiện địa phương.

Được biết, HTX Nông nghiệp Minh Đức thành lập năm 2015, diện tích hiện trên 10 mẫu với quy hoạch khoảng 15 ao, độ sâu mỗi ao từ 1,5 – 2m, chuyên ươm nuôi cá giống và cá thương phẩm. Mỗi năm, HTX sản xuất hàng triệu con giống, cung cấp cho khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực, doanh thu ước đạt khoảng 5 tỷ đồng/năm. Nhờ kinh nghiệm chăn nuôi cá giống và cá thương phẩm nên trong quá trình triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, các thành viên HTX không gặp nhiều khó khăn, nhanh chóng tiếp thu những kiến thức trong chăn nuôi và phòng trừ bệnh trên con tôm.


Ảnh: Kích cỡ tôm thẻ chân trắng đạt 30-35 con/kg

Đánh giá hiệu quả mô hình, KS. Hoàng Thị Hoa – Chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp Việt Yên, chia sẻ: “Qua quá trình nuôi thử nghiệm, tôm ít gặp bệnh tật, tỷ lệ sống cao, sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ tăng trọng nhanh. Điều đó cho thấy tôm thẻ chân trắng phù hợp với điều kiện tại Việt Yên, bước đầu đánh giá mô hình thành công. Rất mong nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ về kĩ thuật nuôi, một phần chi phí trong quá trình thực hiện để thời gian tới bà con có thể triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình.”

So với nuôi cá, tôm thẻ chân trắng có tốc độ sinh trưởng nhanh, chi phí đầu tư thấp, quá trình nuôi và thu hoạch nhàn, giá bán cao. Do đó, người dân chuyên nghề nuôi cá truyền thống hoàn toàn có thể chuyển đổi từ nuôi cá thành nuôi tôm để tăng thu nhập trên cùng diện tích nuôi. Thành công bước đầu của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ là tiền đề để HTX Nông nghiệp Minh Đức và bà con nhân rộng tạo thành sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn./.

Lương Hoài

Nguồn: Sở KH&CN Bắc Giang