Nông dân Can Lộc nuôi tôm càng xanh cho hiệu quả cao

Thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương, mở ra triển vọng phát triển, nâng cao thu nhập cho người nông dân.


Anh Võ Minh tiếp tục mở rộng diện tích vùng nuôi.

Dẫn chúng tôi đi tham quan hồ nuôi rộng hơn 2 ha, anh Võ Minh (thôn Làng Lau, xã Vượng Lộc) chia sẻ: “Tháng 4/2021, tôi tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt. Vụ đầu tiên, tôi thận trọng thả mật độ từ 8 – 10 con/m2. Sau thời gian nuôi 7 tháng, tôi thu được 3 tấn tôm càng xanh thương phẩm, với giá bán tại thời điểm đó là 300.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng”.

Đến nay, anh Minh đã mở rộng diện tích lên tới 5 ha, thả nuôi 2 vụ/năm với mật độ 12 con/m2. Tính ra, mỗi năm, anh xuất ra thị trường từ 4 – 4,5 tấn. Với giá bán ổn định 250 – 300 nghìn đồng/kg, anh thu về hơn 1,3 tỷ đồng/năm.


Ông Tôn Đức Hồng tiếp tục mạnh dạn thả nuôi đợt mới với 20 vạn con giống cho vụ thu – đông.

Cách đó không xa, vụ tôm 2023, ông Tôn Đức Hồng (thôn Làng Lau, xã Vượng Lộc) mạnh dạn thả nuôi 20 vạn tôm giống. Hiện, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân đến thời điểm này đã đạt 100 – 130 con/kg; tiếp tục chăm sóc đến khi trọng lượng tôm đạt khoảng 30 con/kg sẽ cho thu hoạch.

Ông Hồng cho biết: “Với những kinh nghiệm thực tế đúc rút qua 2 năm, trước mỗi vụ tôi mất gần 1 tháng tập trung cải tạo ao đầm, xử lý môi trường nước theo đúng quy trình kỹ thuật như nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh nước, tiêu diệt tạp khuẩn gây bệnh trên tôm bằng các chế phẩm sinh học…”.

Theo các hộ tham gia mô hình, tôm càng xanh dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá bán cao. Tuy nhiên, để nuôi tôm càng xanh có hiệu quả cao, ổn định thì cần chọn được nguồn tôm giống tốt; trong quá trình nuôi, ao hồ phải đảm bảo, không rõ rỉ, thường xuyên phải kiểm soát các loài cá lẫn trong ao nuôi. Tôm càng xanh đòi hỏi nguồn nước sạch, do đó cần phải có nguồn chủ động. Đổi lại, nuôi tôm càng xanh có nguồn thức ăn dồi dào, tận dụng nguồn thức sẵn có để bổ sung cho tôm, như: cá tạp, tép, bột cám gạo,…


Tôm càng xanh dễ nuôi, ít bị dịch bệnh hơn các loại tôm khác.

“Khi cho tôm ăn, thức ăn được rải quanh ao, cách bờ chừng 3m và để lại khoảng 2 – 3% lượng thức ăn cho vào sàng để theo dõi, kiểm soát, vừa tiết kiệm vừa giảm ô nhiễm nguồn nước. Hằng tuần, chúng tôi bơm thêm nước vào ao hoặc xả nước bẩn ra. Trong những tháng đầu, định kỳ bón vôi bột 1 tháng/ lần, liều lượng 20 kg/100 m2. Vôi được hòa tan trong nước và tạt đều khắp ao để làm sạch nguồn nước, giúp tôm nhanh lớn”, ông Tôn Hải – một trong những hộ nuôi tại thôn Làng Lau cho biết.

Mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt là một trong những chương trình thuộc dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris tại Hà Tĩnh” (Dự án SIPA Hà Tĩnh). Từ nguồn vốn của Dự án SIPA, tháng 4/2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF Việt Nam) triển khai quy mô 2 ha với 16 hộ tham gia, số lượng giống được thả 2 vạn con tại vùng nuôi trồng thủy sản thôn Làng Lau, xã Vượng Lộc.


Tôm càng xanh phát triển tốt, hiện đạt kích cỡ đạt 20 – 22 con/kg.

Mục tiêu của mô hình là chuyển đổi những vùng đất trồng lúa, nuôi cá nước ngọt kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh thương phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm cải thiện khả năng thích ứng và sinh kế cho nông hộ nhỏ, tăng hiệu quả kinh tế.

Tham gia mô hình, người dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư (thuốc, thức ăn,…); cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi và hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất. Các hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình chăm sóc và cách phòng trừ dịch hại trên tôm.


Mô hình đã thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Can Lộc Nguyễn Hữu Hài cho biết: “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên vùng đất chuyển đổi là một trong những giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả và bền vững. Thành công của mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Đây sẽ là nơi tham quan học hỏi cho nhiều người dân trong vùng và các địa phương lân cận để có cơ sở nhân rộng áp dụng vào sản xuất”.

Theo tính toán, với giá bán 250.000 – 300.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, mô hình mang lại lợi nhuận gần 300 – 400 triệu đồng/ha. So với trồng lúa trước đây thì cao hơn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Hữu Hài, người dân cần chọn nguồn giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho mô hình. Môi trường nuôi là đất ruộng chuyển đổi thường nhiều dịch hại nên công tác cải tạo ao nuôi cần chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ tuyệt đối các quy trình kỹ thuật.

Cẩm Hòa

Baohatinh.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024