Cà Mau: Tập trung mũi nhọn cho xuất khẩu tôm

Lần thứ 3 liên tiếp, Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD, trong đó con tôm là sản phẩm chủ lực.


Thủ phủ ngành tôm Việt Nam

Năm 2022, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1,150 tỷ USD, nhưng chỉ đến tháng 10/2022 tỉnh đã hoàn thành vượt mức, khi giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này đã đạt trên 1,165 tỷ USD, riêng thủy sản đã đạt 960,2 triệu USD, vượt 1,3% kế hoạch, tăng 27% so với cùng kỳ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua kinh tế thủy sản luôn là thế mạnh của tỉnh, mà tạo ra giá trị lớn nhất là mặt hàng tôm. So với cả nước, Cà Mau đứng đầu về diện tích nuôi tôm và sản lượng, khi diện tích nuôi chiếm 40%, và sản lượng tôm chiếm đến 22%. Hiện đã ổn định diện tích nuôi tôm 280.000ha, sản lượng tôm nuôi đạt trên 220.000 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, qua việc bố trí lại các loại hình nuôi, ngành tôm đã áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm phù hợp với các thị trường, nhất là ngoài nước.

Thông tin từ Sở Công thương cho biết, các doanh nghiệp đã đàm phán, thỏa thuận ký kết nhiều hợp đồng cho năm 2023. Do đó, hoạt động xuất khẩu tôm những tháng sắp tới diễn biến ổn định và có xu hướng tăng, không có trường hợp bị ứ đọng hàng hóa.


3 năm liên tiếp, xuất khẩu thủy sản Cà Mau vượt 1 tỷ USD, trong đó, chiếm phần lớn là con tôm.

“Do việc xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đã được hoạch định bằng những giải pháp cụ thể nên năm 2022 tỉnh Cà Mau tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD, bất chấp biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh hay xung đột vũ trang của các nước, mà con tôm là sản phẩm chủ lực”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết.

Tiếp tục nâng cao chất lượng con tôm, gia tăng giá trị xuất khẩu

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới luôn tăng trưởng nhưng đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu cũng vì thế mà ngày càng khắt khe hơn.

Theo đánh giá, năng suất nuôi tôm của Việt Nam tuy chưa thể so với một số nước như Ecuador hay Ấn Độ nhưng về chất lượng tôm đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Thương hiệu tôm Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng đang dần được xây dựng vững chắc nhờ điểm nhấn tôm sinh thái.

Do đó, ngoài việc xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền rà soát thống kê lại toàn bộ diện tích tôm nuôi với các loại hình trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, xác định sản lượng từng đối tượng nuôi cụ thể, từ đó sẽ hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các chuỗi siêu thị liên kết thu mua nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi cho người dân; rà soát thông tin về việc các thương lái thu mua ép giá người nuôi trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định. Ðồng thời, xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm tôm nuôi nhằm tham gia xuất khẩu ở nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, Cà Mau đã triển khai giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển xuất khẩu, đồng thời xây dựng các nội dung hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh. Đồng thời, tỉnh còn giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh hậu đại dịch vừa qua; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain…) vào truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản…

Ngoài những lợi thế trên, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Cà Mau cũng đã tận dụng lợi thế Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8/2020) để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hiệp định EVFTA đã loại bỏ dần thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa Việt Nam, tạo ra khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư tại các nước EU, tạo cơ hội việc làm cho người lao động khi xuất khẩu tăng, các hoạt động sản xuất được mở rộng, dẫn đến những cơ hội việc làm được tạo ra tăng theo.

Ngoài thị trường EU có lợi thế về hiệp định EVFTA, tôm Cà Mau đang còn lợi thế từ nhiều thị trường tiềm năng và truyền thống khác. “Ðối với thị trường Mỹ, dự kiến tăng mạnh vào năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản tăng, khi 2 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, Canada, Australia là thị trường tiềm năm cho mặt hàng tôm Cà Mau trong thời gian tới. Một số thị trường khác vẫn giữ đà tăng trưởng tốt như: Anh, Hồng Kông, Hàn Quốc…”, ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có thể bị chậm ở một số thời điểm. Chính vì vậy, các doanh nghiêp luôn phải có chiến lược nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ điều kiện để sản phẩm tôm tiếp tục vào được này.

Minh Hoa

Theo Kinh tế & Đô thị, VietNamNet

Tin mới nhất

T6,22/11/2024