Triển vọng từ mô hình nuôi tôm CPF Combine

Ao nuôi có diện tích 1.200 m2 , thả nuôi 24 vạn con giống tôm thẻ chân trắng, chỉ sau 87 ngày nuôi đã thu hoạch được hơn 7,5 tấn tôm thương phẩm với kích cỡ kỷ lục là 28 con/kg. Đó là những kết quả vượt trội mà mô hình CPF Combine do anh Trần Văn Dụng ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) áp dụng lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh.


Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình CPF Combine – Ảnh: L.A

Trao đổi với chúng tôi, anh Dụng cho biết, sau khi tìm hiểu, đầu năm 2022, anh đã quyết định đầu tư hơn 1,6 tỉ đồng chuyển toàn bộ diện tích nuôi tôm hiện có gần 2 ha của gia đình sang nuôi theo mô hình CPF Combine do Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam hoàn thiện và chuyển giao.

Theo đó, trên quỹ đất sẵn có, anh bố trí 6 ao nuôi thương phẩm theo dạng ao nổi với tổng diện tích gần 5.000 m2, còn lại là ao xử lý nước thải, ao chứa lắng và hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ các ao nuôi đều được thiết kế có dạng hình tròn, được lót bạt và trang bị mái che nhằm đảm bảo môi trường nước tối ưu nhất mà không bị phụ thuộc vào thời tiết. Hệ thống sục khí được lắp đặt đồng bộ, hợp lý và hoạt động liên tục để vừa cung cấp đủ ô xy cho tôm vừa thu gom chất thải trong ao nuôi vào hệ thống xử lý.

Quy trình nuôi tôm được thực hiện chặt chẽ với 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, tôm được ương trong ao có diện tích 150 m2 , mật độ 1.600 con/m2 ; sau khi ương được 20 ngày, tôm đạt kích cỡ 1.000 con/ kg sẽ được chuyển sang nuôi giai đoạn thứ 2. Ở giai đoạn này tôm được chuyển sang ao nuôi khác có diện tích 700 m2 với mật độ 300 con/m2 , sau 40 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 60 con/kg thì chuyển sang nuôi giai đoạn thứ 3.

Lúc này tôm nuôi tiếp tục được chuyển sang ao nuôi có diện tích 1.200 m2 , mật độ nuôi giảm xuống còn 200 con/m2 và nuôi về kích cỡ thu hoạch. “Tôi vừa thu hoạch ao nuôi đầu tiên theo mô hình CPF Combine với hơn 7,5 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ 28 con/kg trong khi thời gian nuôi chỉ 87 ngày, số lượng tôm giống thả nuôi là 24 vạn con. Với giá bán 232.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi khoảng 1 tỉ đồng. Lứa tôm thứ 2 cũng đang phát triển tốt, hứa hẹn cho một vụ nuôi bội thu”, anh Dụng vui vẻ cho hay.

Theo anh Dụng, mặc dù để áp dụng mô hình CPF Combine cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng hiệu quả cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Ưu điểm của mô hình CPF Combine là dễ quản lý hoạt động nuôi tôm nhờ dạng ao tròn, sự chuyển động của lực ly tâm giúp lượng thức ăn dư thừa, xác tôm chết tập trung ở đáy ao. Từ đó, người nuôi có thể kiểm soát tốt lượng thức ăn dư thừa và lượng tôm hao hụt, dễ kiểm tra đáy ao, chất lượng nước.

Việc hút cặn đáy ao cũng dễ hơn. Khi thay nước chỉ cần xả van, giúp tiết kiệm điện và công lao động vệ sinh đáy ao. Quy trình nuôi 3 giai đoạn giúp môi trường ao nuôi trong từng giai đoạn nuôi ít biến động, từ đó ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao sức khỏe và tỉ lệ sống của tôm; đồng thời, tận dụng được ưu thế tăng trưởng do san thưa mật độ ở mỗi giai đoạn, giúp tôm lớn nhanh, nuôi tôm được kích cỡ lớn, tăng năng suất thu hoạch. Mô hình giúp xoay vụ nhanh, có thể nuôi nhiều vụ trong năm so với cách làm truyền thống trước đây.

Toàn bộ quá trình nuôi chỉ sử dụng các loại khoáng chất, chế phẩm sinh học, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình, hộ nuôi có sự liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp con giống chất lượng cho đến thức ăn, vật tư và được đảm bảo đầu ra khi thu hoạch.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.050 ha diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, sản lượng hằng năm đạt khoảng 6.500 tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện nay người nuôi tôm đang phải thường xuyên đối mặt với khó khăn do dịch bệnh trên tôm nuôi, thời tiết diễn biến bất thường, giá tôm thương phẩm không ổn định, tôm kích cỡ nhỏ có giá bán thấp…

Do vậy, với những ưu điểm như thiết kế, xây dựng dễ dàng, chi phí hợp lý, phù hợp với những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ và cả chăn nuôi tập trung, quy trình nuôi 3 giai đoạn giúp hạn chế tối đa dịch bệnh, đảm bảo tôm nuôi sinh trưởng tốt, kích cỡ lớn…

Thành công của mô hình CPF Combine đang mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh; giúp người nuôi quay vòng vụ nhanh và năng suất cao hơn 3 – 5 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

“Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng khoa học kỹ thuật, các quy trình nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao như mô hình CPF Combine, nuôi tôm trong nhà lưới, nhà kính… nhằm hạn chế rủi ro về dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp đang tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng con giống, thực hiện thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ hóa chất kịp thời khi dịch bệnh xảy ra để người nuôi tôm khống chế dịch bệnh, tránh lây lan ra diện rộng”, ông Vinh cho biết thêm.

Lê An

Nguồn tin: Báo Quảng Trị,