Triển vọng giám sát dịch bệnh DIV1 trên tôm

Phát triển bốn xét nghiệm PCR giúp phát hiện sự hiện diện của vi rút ánh kim decapod (DIV1) ở tôm.

Sự xuất hiện của virus DIV1

Virus ánh kim (Decapod Iridescent Virus – DIV1) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014 và đã tàn phá nhiều hoạt động nuôi tôm dọc theo bờ biển Trung Quốc. Nhiễm trùng DIV1 nhắm vào các mô nơi hình thành máu và tế bào miễn dịch, mang và xoang gan tụy. Nhiễm DIV1 ở tôm he có thể biểu hiện các dấu hiệu lâm sàng như mềm vỏ, teo gan tụy và có sự đổi màu nhợt nhạt hoặc hơi vàng, chúng để bụng rỗng hoặc bỏ ăn giữa chừng. Một số tôm chết có biểu hiện màu hơi trắng ở vùng bụng. Tôm bị nhiễm DIV1 có tỷ lệ tử vong cao dẫn đến việc yêu cầu các phương pháp phát hiện để phòng ngừa và cải thiện tình trạng nhiễm bệnh.

Kể từ lần đầu tiên được phát hiện, virus này vẫn là một mối đe dọa quan trọng đối với ngành công nghiệp tôm toàn cầu. Vào năm 2020, DIV1 đã được phát hiện ở Đài Loan và phá hoại ngành công nghiệp tôm của nơi này một cách đáng kể. Các nhà nghiên cứu đã xác định được virus trong các mẫu tôm bố mẹ được đánh bắt từ Ấn Độ Dương, mặc dù chúng không có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào của bệnh. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng tôm có thể trở thành vật chủ của DIV1, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Phát triển xét nghiệm PCR mới về DIV1

Các nhà khoa học đã tìm hiểu thêm về trình tự gen và khả năng phát hiện các dấu hiệu DNA độc nhất của mầm bệnh. Hiện có thể sử dụng các xét nghiệm hoặc các quy trình trong phòng thí nghiệm để có thể phát hiện và đo lường sự hiện diện, số lượng hoặc hoạt động của đối tượng, xác định cấu hình DNA của các mầm bệnh riêng lẻ. Khi những xét nghiệm này dựa trên phản ứng chuỗi polymerase (PCR), một phản ứng hóa học khuếch đại nhanh chuỗi DNA của một mẫu mô, từ đó có thể xây dựng các công cụ đo lường sự xuất hiện và phạm vi hoạt động của mầm móng gây bệnh trong môi trường nuôi trồng thủy sản.

PCR, hay phản ứng chuỗi polymerase là một phương pháp tạo ra hàng nghìn bản sao của một đoạn hoặc sợi DNA. Các xét nghiệm PCR hoạt động theo nhiều cách khác nhau, thông thường tất cả đều bắt đầu bằng quy trình chiết tách DNA (hoặc RNA), sau đó là quá trình khuếch đại mồi. Các nhà khoa học tiến hành sử dụng kết hợp các cặp mồi và cặp thăm dò trên đĩa phản ứng PCR. Các đầu dò bổ sung sẽ tăng độ nhạy và độ đặc hiệu của các xét nghiệm. Thực hiện phương pháp này cho phép tiến hành nhiều thử nghiệm trong một lần thử nghiệm duy nhất, giúp thu được kết quả chính xác và cụ thể về DIV1.

Những thách thức trong việc giám sát mầm bệnh

Vẫn còn nhiều thách thức trong nghiên cứu, như sự hiện diện của các chất ức chế PCR như chitin (thành phần chính trong vỏ tôm) có thể ngăn phản ứng xảy ra và cho ra kết quả không chính xác. Để khắc phục điều này, các nhà nghiên cứu cần sử dụng các xét nghiệm PCR đối chứng bổ sung để đảm bảo rằng lượng chitin hoặc vật liệu ức chế khác trong mẫu không ngăn cản phản ứng PCR.

Tôm có thể bị nhiễm tới 4 mầm bệnh khác nhau cùng một lúc, người nuôi tôm không bao giờ có thể biết được chắc chắn mầm bệnh nào tồn tại trong ao nuôi của họ. Điều này có nghĩa là rất ít người nuôi tiến hành thử nghiệm đầy đủ các mầm bệnh có thể có trong vật nuôi. Vì thế, các nhà nghiên cứu đang tìm ra cách phát hiện mầm bệnh trở nên khả thi và hạn chế tổn thất về mặt tài chính cho người nuôi tôm. Một nhóm các nhà khoa học đã ghép nối thành công các thử nghiệm phát hiện mầm bệnh và kiểm soát với nhau trong một thử nghiệm duy nhất. Ở phương pháp kết hợp này, trong đó các xét nghiệm đơn lẻ có thể phát hiện nhiều mầm bệnh mục tiêu trong một phản ứng và có thể biến hai hoặc nhiều phản ứng trở nên ít hơn hoặc giảm xuống chỉ còn một phản ứng. Nhưng khó khăn ở đây là cần một lượng lớn các mẫu tôm nhiễm bệnh từ các hệ thống nuôi khác nhau để hoàn thiện việc xét nghiệm.

Tầm quan trọng của xét nghiệm DIV1

Các xét nghiệm đang góp phần vào việc giám sát dịch bệnh và nâng cao hiệu quả về chi phí cho DIV1. Cho phép ngành công nghiệp tiếp cận với nhiều công cụ giám sát hơn và có thể là bước đầu tiên trong việc tạo ra một hệ thống cảnh báo dịch bệnh sớm cho người nuôi tôm. Nếu người dân tiếp cận được nguồn tin này, họ có thể triển khai các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Các thử nghiệm mới này là nền tảng quan trọng để tăng cường khả năng chuẩn bị an toàn sinh học trong nuôi tôm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại trong nghề nuôi tôm.

Nhất Linh

Tepbac.com

Tin mới nhất

T6,22/11/2024