Sản xuất thức ăn thủy sản gây hiệu ứng nhà kính đáng kể

Một công bố từ các nhà nghiên cứu tại học viện khoa học Trung Quốc cho thấy việc sản xuất thức ăn thủy sản là một trong những nguyên nhân gây nên hiệu ứng nhà kính đáng kể nhất của ngành.

Tiến trình của cuộc nghiên cứu

Việc mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản đã mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như cung cấp nguồn protein động vật có chất lượng cao phục vụ người dân trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp sẽ kèm với sự gia tăng tương ứng của phát thải khí nhà kính (GHG – Greenhouse Gas), là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Một nhóm nghiên cứu do viện khoa học Trung Quốc dẫn đầu, đã tiến hành một nghiên cứu để phát hiện mức độ phát thải khí nhà kính do ngành nuôi trồng thủy sản của nước này tạo ra, cho thấy việc sản xuất thức ăn là một trong những yếu tố đóng góp đáng kể nhất vào việc phát thải khí nhà kính của ngành. Nhóm chuyên gia đã tiến hành cuộc khảo sát bằng việc đo lượng phát thải khí nhà kính của bốn quy trình chính trong nuôi trồng thủy sản.


Sản xuất thức ăn là yếu tố đóng góp đáng kể nhất vào việc phát thải khí nhà kính của ngành thủy sản. Ảnh: Taku_S

Đầu tiên, họ xem xét việc sử dụng năng lượng – tựa như năng lượng được sử dụng để bơm nước, cung cấp ánh sáng và nguồn năng lượng cho các phương tiện giao thông trong các trang trại nuôi trồng thủy sản. Thứ hai, họ cũng xem xét oxit nitơ (NOx – là một hợp chất hóa học có sự kết hợp giữa Nitơ và Oxy) được tạo ra bởi phân của động vật và từ lượng thức ăn dư thừa trong nước. Tiếp theo, họ nghiên cứu về quy trình sản xuất phân bón tổng hợp được áp dụng để gia tăng năng suất. Yếu tố thứ tư họ xem xét đến là các nguyên liệu thô như bột đậu nành, lúa mì, bột cá được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và khí thải từ quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển của chúng. Sau đó, họ đo lượng khí thải CO2 của mỗi quá trình này trong 10 năm, tiến hành phân tách kết quả theo khu vực và theo 9 nhóm loài cá chính.

Những dữ liệu và kết quả thu được

Kết quả cho thấy việc sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đóng góp nhiều nhất vào việc phát thải khí nhà kính. Phân tích không gian đưa ra nguồn liệu về khu vực Quảng Đông, Hồ Bắc, Giang Tô và Sơn Đông có lượng phát thải cao nhất trong số 31 tỉnh được nghiên cứu, chiếm khoảng 46% tổng lượng phát thải được đo lường. Bên cạnh đó cũng cho thấy hoạt động nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc có cường độ phát thải thấp hơn (2,7) so với giá trị toàn cầu (3,3) do Tổ chức nông lương Liên hợp quốc công bố. Họ tin rằng điều này là do tỷ lệ sản xuất những loài có 2 mảnh vỏ của Trung Quốc cao hơn. Loài này thường lấy chất dinh dưỡng trực tiếp từ nước, loại bỏ nhu cầu về thức ăn chăn nuôi.


Đối tượng nuôi 2 mảnh vỏ có cường độ phát thải thấp. Ảnh: bungoume

Các ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, sản lượng tăng thường đi kèm với GDP khu vực cũng gia tăng. Sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng dẫn đến nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm từ ngành nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản ngày càng cao. Điều này sẽ thúc đẩy sự mở rộng của các ngành công nghiệp này ở các tỉnh có GDP khu vực cao hơn.

Tầm quan trọng của cuộc khảo sát

Các nghiên cứu về định lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ ngành nuôi trồng thủy sản rất khan hiếm ở Trung Quốc. Nghiên cứu lần đầu tiên cho thấy mối quan hệ giữa sản lượng tương đối theo thành phần loài và phân bố trong không gian sống. Điều quan trọng là nó cung cấp cơ sở khoa học cho việc giảm phát thải lượng khí nhà kính trong bối cảnh rộng lớn hơn là mở rộng nuôi trồng thủy sản trong tương lai.

Mô trường – Vẫn luôn là điều trăn trở khi mở rộng nuôi trồng thủy sản. Ảnh: CloudVisual

Các nhà quản lý và chính quyền địa phương nên điều chỉnh tỷ lệ tương đối của sản xuất theo nhóm loài và thay đổi nguồn sử dụng năng lượng để giảm lượng khí thải CO2 của ngành. Tin rằng công việc này rất có ý nghĩa đối với tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc nói riêng và nuôi trồng thủy sản ở các nước đang đối mặt với các vấn đề tương tự, chẳng hạn như Indonesia và Bangladesh nói chung. Đồng thời giảm thiểu lượng khí thải gây hiện tượng nhà kính, biến đổi khí hậu và góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái toàn cầu.

Nhất Linh

Tepbac.com