Xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm: Tập trung vào thị trường Nhật Bản

Trong bối cảnh thị trường Mỹ đang dư thừa tồn kho, Nhật Bản sẽ là thị trường mục tiêu của tôm Việt Nam xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, TS. Hồ Quốc Lực cho biết, thị trường Nhật Bản đang là thị trường mục tiêu của các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam.

Sách lược hướng đến thị trường này đã thể hiện rõ nét ở thị phần trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tiêu biểu là các công ty như Minh Phú, Sao Ta…


Thị trường 6 tháng cuối năm 2022 khó được như 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa: IT

Theo TS. Hồ Quốc Lực, mẫu mã sản phẩm tôm cung ứng thị trường Nhật Bản hết sức đa dạng, đòi hỏi là hàng tinh chế với yêu cầu chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt… Như vậy, năng suất sẽ không cao, mức tăng sản lượng không mạnh.

Tuy nhiên, thị trường này lại hết sức phù hợp trong bối cảnh tình hình tôm Việt Nam hiện nay. Chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao so các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU). Do đó, sẽ không làm tăng ảo giá bán, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn.

Một điểm nữa là tranh chấp tại khu vực Đông Âu đã khiến tỉ lệ lạm phát tại khu vực EU tăng cao. Mỹ cũng rơi vào hoàn cảnh này. Trong khi đó, mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn cũng là một lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ tôm.

Nguyên Chủ tịch VASEP nhận định, 6 tháng cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ không bằng 6 tháng đầu năm. Khi sự biến đổi thời tiết đã môi trường không đáp ứng nhu cầu sinh lý con tôm và khiến người nuôi tôm “chùn tay”. Bệnh dịch vi bào tử trùng cũng đang phát tán diện rộng.

Còn tại thị trường lớn là Mỹ, tồn kho tại thị trường này hiện ở mức cao. Điều này dẫn đến lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ có thể giảm do các công ty vẫn chưa thể tiêu thụ hết số hàng tồn kho. Đồng thời, tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với các tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.

Tuy nhiên, TS. Hồ Quốc Lực cho biết kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ cao hơn hẳn năm ngoái với mức ít nhất 10%. Với mức sản lượng đạt 1 triệu tấn tôm thương phẩm của ngành tôm trong năm 2022, TS. Hồ Quốc Lực cho biết hoàn toàn có cơ sở để đạt được. Và năm nay sẽ là một năm tiếp tục thành công của ngành tôm Việt Nam.

Theo VASEP, nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh là vì chi phí cước tàu tăng đã góp phần “ảo” tăng thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Giá tiêu thụ tôm tăng có tác động một phần từ lạm phát. Đồng thời, cuối năm 2021, hậu quả dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp (DN) tôm giảm chế biến và dồn cho đầu năm nay.

Tần Minh

Nguồn: Tieudung.giadinhonline.vn