Hà Tĩnh: Tôm, cua chết bất thường, người nuôi thiệt hại lớn

Nhiều hộ dân ở xã Đan Trường và Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) xót xa khi tôm, cua trong hồ nuôi bỗng dưng chết hàng loạt, thiệt hại lớn.

Cua chết được ông Trung vớt lên bờ. Ảnh: Trần Tuấn.

Ngày 16.4, có mặt tại khu vực hồ nuôi tôm, nuôi cua ở xã Đan Trường nằm bên bờ sông Lam, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ dân chưa hết xót xa khi mới đây tôm, cua của họ bỗng dưng chết hàng loạt.

Ông Trần Văn Thức (67 tuổi, trú xóm Trường Châu, xã Đan Trường) nuôi 6ha gồm tôm đất và cua. Vừa qua, tôm đất và cua chết la liệt, với mức thiệt hại khoảng 1/3 thu nhập, với ước tính mất khoảng hơn 100 triệu đồng.

Theo ông Thức, có thể nguyên nhân tôm, cua chết là do thời tiết giao thời nắng mưa thất thường, ngoài ra cũng nghi vấn nguồn nước lấy từ sông Lam vào không đảm bảo, cùng với phương pháp kĩ thuật nuôi của người dân chưa tốt.

Ông Thạch Hữu Trung (70 tuổi, trú xóm 3, xã Đan Trường) là một trong những hộ nuôi bị thiệt hại lớn cho biết, gia đình ông nuôi tôm và cua tại 6 hồ với diện tích khoảng 2ha. Vừa rồi có hơn 1ha diện tích ao nuôi tôm và cua bị chết hàng loạt, gây thiệt hại khoảng 150 – 200 triệu đồng.

“Vừa rồi sau khi phát hiện tôm chết, tôi đã báo với Phòng Nông nghiệp. Sau đó họ đã về lấy mẫu xét nghiệm hiện đang chờ kết luận nguyên nhân” – ông Trung chia sẻ.

Theo ông Trung, bản thân ông là người đã có nhiều năm theo nghề nuôi tôm, cua. Tuy nhiên, nghề này cũng đầy may rủi. Có năm trúng thì cũng lời được bạc tỉ nhưng cũng có năm mất bạc tỉ, chẳng khác gì đánh bạc với trời. Có năm vì tôm chết hàng loạt, xót của vợ ông đã đổ bệnh luôn.

Ông Lê Thanh Bình – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân cho biết, vừa rồi xảy ra tình trạng tôm, cua của nhiều hộ nuôi ở xã Đan Trường và Xuân Phổ bị chết. Nhận được tin báo, Phòng đã phối hợp cùng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh và Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh lấy mẫu tôm, cua, mẫu nước gửi đi xét nghiệm tìm nguyên nhân. Hiện đang chờ kết quả.

Cũng theo ông Bình, phần lớn các hộ nuôi có tôm, cua chết đợt này là hộ nuôi quảng canh. Mà nuôi quảng canh thì khó kiểm soát đầu vào của nguồn nước nên có thể nguyên nhân do nguồn nước, ngoài ra cũng có thể do thời tiết nắng mưa thất thường gây sốc nhiệt.

Bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho biết, sáng ngày 16.4, bà có trực tiếp đi kiểm tra, lấy mẫu tôm, cua chết ở xã Đan Trường để gửi cơ quan Thú y vùng 3 xét nghiệm, kết luận nguyên nhân.

Cũng theo bà Hoàn, nhận định ban đầu có thể nguyên nhân tôm, cua ở xã Xuân Phổ và Đan Trường chết là do thời tiết thay đổi cùng với việc người dân nuôi quảng canh, thả nuôi chung nhiều loại với nhau gồm tôm với cua nên dễ phát sinh dịch bệnh, thêm nữa có thể do chất lượng nguồn nước nuôi quảng canh không được kiểm soát tốt nên ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi.

TRẦN TUẤN

Nguồn tin: Lao Động