Tôm nước lợ – hướng đi lâu dài cho các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên

Hiện nay những doanh nghiệp và hộ dân các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên đã thả nuôi tôm nước lợ (chính vụ trong năm), thời tiết tương đối thuận lợi, giá tôm nguyên liệu khá cao nên người nuôi cũng mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, năm 2021, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh trên 137.400ha, đạt trên 101% kế hoạch, sản lượng đạt 36.378 tấn, đạt gần 107% kế hoạch.

Trong chuyến khảo sát thực tế tại các huyện nuôi tôm vùng Tứ giác Long Xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành khẳng định, nuôi tôm nước lợ là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Qua đó đã tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Ông Thành nhấn mạnh: “Tỉnh rất quan tâm phát triển nghề nuôi tôm, quy hoạch mở rộng diện tích thả nuôi. Các doanh nghiệp và người dân cần đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ, thay đổi phương thức nuôi để tăng hiệu quả và bền vững hơn”.

Huyện Giang Thành là một trong những địa phương phát triển tốt nghề nuôi tôm nước lợ trong thời gian gần đây. Chính con tôm đã mang đến nhiều đổi thay, tạo nên diện mạo mới cho vùng biên vốn dĩ còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến tăng cao giá trị sản phẩm, phát triển nuôi tôm, quy hoạch chuyển dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm – lúa. Tập trung phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng thâm canh, chuyển dần diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến sang thâm canh theo quy hoạch.

Doanh nghiệp và người dân cần đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ để phát triển hơn nữa nghề nuôi tôm. Ảnh: PV

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp hiện nay là vấn đề thiếu hụt lao động, giá nguyên vật liệu tăng cao. Vì thế các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm nạo vét các tuyến kênh cấp, thoát nước trong khu vực, tạo sự thông thoáng cho việc lấy nước mặn từ biển vào, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó chú trọng đào tạo nghề nông thôn để cung ứng nguồn lao động có tay nghề phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu.

Năm 2022, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích 140.630 ha, sản lượng 108.500 tấn. Riêng đối với vùng Tứ giác Long Xuyên là 18.760 ha, sản lượng dự kiến là 44.430 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp là 4.200 hecta, sản lượng dự kiến đạt 39.250 tấn. Tính đến tháng 2.2022, diện tích đã thả nuôi đạt gần 38% kế hoạch. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của các doanh nghiệp so với diện tích đất được giao vẫn chưa đạt cao. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực đầu tư còn hạn chế, hạ tầng vùng nuôi chưa đáp áp ứng yêu cầu, nhất là thủy lợi, tình hình dịch bệnh, giá tôm thương phẩm biến động…

Để tiếp tục phát huy hiệu quả nuôi tôm nước lợ các công ty, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm cần cố gắng, nỗ lực vượt khó để ổn định việc nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng tôm để đạt chuẩn phục vụ thị trường xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, các cơ quan chức năng phải tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, người nuôi tôm. Ngoài ra, cần thu hút lao động vào lĩnh vực này để tránh tình trạng thiếu hụt lao động khi người nuôi đã bỏ ra đầu tư mở rộng sản xuất.

NGUYÊN ANH

Nguồn tin: Báo Lao Động,